Công văn 4089/VPCP-TTĐT năm 2017 hướng dẫn quy trình gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 4089/VPCP-TTĐT
Ngày ban hành 21/04/2017
Ngày có hiệu lực 21/04/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Lê Mạnh Hà
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4089/VPCP-TTĐT
V/v hướng dẫn quy trình gửi, nhận văn bản điện tử

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, đến nay Văn phòng Chính phủ đã kết nối, liên thông văn bản điện tử với 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua hệ thống liên thông trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đhoàn thiện nhiệm vụ nêu trên, Văn phòng Chính phủ gửi đến các bộ, ngành, địa phương bản hướng dẫn việc gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống liên thông (tài liệu kèm theo).

Đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Cục Bưu điện TW;
- VPCP: BTCN, các PCN; Các vụ, cục, đơn vị;
- Lưu: VT, TTĐT(03). Đính

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà

 

HƯỚNG DẪN

GỬI NHẬN VĂN BẢN ĐIỆN TỬ QUA HỆ THỐNG LIÊN THÔNG
(Kèm theo Công văn số 4089/VPCP-TTĐT ngày 21 tháng 04 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Giải thích từ ngữ

- Hệ thống liên thông là hệ thống kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương qua môi trường mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây gọi tắt là Mạng TSLCD). Hệ thống liên thông do Văn phòng Chính phủ quản lý, vận hành.

- Môi trường mạng trong phạm vi văn bản này là môi trường mạng truyền số liệu chuyên dùng (sau đây gọi tắt là môi trường mạng).

- Văn bản điện tử đi (sau đây gọi tắt là văn bản đi) là tất cả các loại văn bản, hồ sơ do cơ quan, đơn vị phát hành qua hệ thống liên thông.

- Văn bản điện tử đến (sau đây gọi tắt là văn bản đến) là tất cả các loại văn bản, hồ sơ, đơn, thư gửi đến cơ quan, đơn vị qua hệ thống liên thông.

- Sổ đăng ký văn bản đi, sổ đăng ký văn bản đến điện tử qua hệ thống liên thông (sau đây gọi tắt là sổ văn bản đi, sổ văn bản đến) là sổ cập nhật các thông tin về văn bản đi, văn bản đến như: số, ký hiệu; ngày, tháng, năm ban hành; tên loại và trích yếu nội dung; nơi nhận và những thông tin khác trên hệ thống liên thông để quản lý và tra cứu văn bản (mẫu theo phụ lục gửi kèm).

2. Nguyên tắc thực hiện

- Văn bản điện tử đã được ký bằng chữ ký số theo quy định tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ, có giá trị pháp lý như bản gốc.

- Trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử qua hệ thống liên thông phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thông tin được quy định tại Thông tư số 23/2011/TT-BTTTT ngày 11 tháng 8 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc quản lý, vận hành, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước và công văn số 3240/BTTTT-UDCNTT ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn việc bảo đảm an toàn mạng và thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.

- Văn bản đi thuộc ngày nào phải được đăng ký, phát hành ngay trên môi trường mạng trong ngày đó hoặc chậm nhất là trong buổi sáng ngày làm việc kế tiếp.

- Khi nhận được văn bản điện tử đến, văn thư cơ quan, đơn vị phải xử lý ngay trong vòng 2 giờ (theo giờ hành chính), không phải chờ văn bản giấy. Các cơ quan, đơn vị phân công tới chuyên viên chủ trì ngay trong ngày.

- Văn bản đi của cơ quan, đơn vị này sẽ là văn bản đến của cơ quan, đơn vị kia, và ngược lại. Các văn bản đi, văn bản đến được cập nhật những thông tin cần thiết vào sổ văn bản đi, sổ văn bản đến và ghi nhận tự động trạng thái xử lý qua hệ thống liên thông. Việc thiết lập hồ sơ giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị có văn bản đến, phải được thực hiện trên cơ sở đầu vào văn bản đi của đơn vị phát hành.

- Văn bản phải được lưu giữ, bảo quản an toàn, nguyên vẹn và sử dụng đúng mục đích trong quá trình tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết công việc.

- Văn bản có nội dung mang bí mật nhà nước được đăng ký, quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.

II. XỬ LÝ VĂN BẢN ĐIỆN TỬ GỬI, NHẬN TRÊN HỆ THỐNG LIÊN THÔNG

1. Tiếp nhận, chuyển giao văn bản đến qua môi trường mạng

- Tiếp nhận văn bản đến

+ Khi tiếp nhận văn bản đến từ hệ thống liên thông, văn thư cơ quan, đơn vị phải kiểm tra số lượng văn bản, slượng trang của mỗi văn bản; nếu phát hiện có sai sót, phải kịp thời thông báo cho nơi gửi hoặc báo cáo người có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

[...]