Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 3800/BHXH-PC năm 2014 hướng dẫn thực hiện công tác pháp chế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 3800/BHXH-PC
Ngày ban hành 08/10/2014
Ngày có hiệu lực 08/10/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đỗ Văn Sinh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3800/BHXH-PC
V/v hướng dẫn thực hiện công tác pháp chế

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 hướng dẫn Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn nội dung công tác pháp chế đối với Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) như sau:

I. Thẩm định dự thảo văn bản

1. Mục đích

Việc thẩm định dự thảo văn bản nhằm xây dựng và ban hành văn bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi phù hợp với tình hình thực tiễn và tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản theo quy định.

2. Đơn vị thực hiện

Phòng Tổ chức - Hành chính hoặc Phòng Hành chính - Tổng hợp (sau đây gọi chung là Phòng Hành chính - Tổng hợp) có trách nhiệm thẩm định các dự thảo văn bản theo quy định.

3. Dự thảo văn bản phải thẩm định

Các văn bản sau đây phải thẩm định trước khi trình lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh ký gồm:

a) Các quy chế, văn bản phối hợp liên ngành; các quy định, quy chế nội bộ; đề án, dự án (nếu có).

b) Văn bản triển khai, tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

c) Văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo.

d) Văn bản liên quan đến việc xử lý, kỷ luật viên chức.

đ) Văn bản có nội dung liên quan đến việc giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các sở, ngành địa phương.

e) Văn bản trả lời chế độ chính sách có liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của 02 phòng trở lên.

g) Văn bản liên quan đến tranh chấp, xử lý vi phạm hoặc nội dung có bản án, quyết định của Tòa án.

h) Văn bản, hồ sơ liên quan đến việc tham gia tố tụng của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

i) Các văn bản khác do lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp giao.

4. Hồ sơ thẩm định văn bản

Hồ sơ thẩm định gồm:

- Dự thảo văn bản có chữ ký tắt theo quy định.

- Phiếu trình giải quyết công việc (nếu có) (Mẫu số 9.4, 9.5 và 9.6 ban hành kèm theo Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 08/8/2013 ban hành quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản, quản lý văn bản và quản lý con dấu trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

- Công văn đến đã qua xử lý (nếu có).

- Các văn bản quy phạm pháp luật; các tài liệu, văn kiện của Đảng; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ sở để xây dựng và ban hành văn bản được thẩm định.

- Văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội địa phương hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung văn bản được thẩm định (nếu có).

- Ý kiến tham gia của các đơn vị, Bảo hiểm xã hội quận, huyện đối với dự thảo văn bản, báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tham gia của các đơn vị, ý kiến tư vấn khác (nếu có).

- Các tài liệu có liên quan khác.

Ngoài ra, người thẩm định cần chủ động sưu tầm và xử lý thông tin, tài liệu khác có liên quan đến nội dung văn bản được thẩm định nếu thấy cần thiết.

[...]