Công văn về việc hướng dẫn xử lý vướng mắc về thuế giá trị gia tăng.

Số hiệu 3292/TCHQ-KTTT
Ngày ban hành 02/08/2001
Ngày có hiệu lực 02/08/2001
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoả Ngọc Tâm
Lĩnh vực Đầu tư,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí,Bất động sản

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3292/TCHQ-KTTT

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 3292 TCHQ/KTTT NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ VIỆC HỢP ĐỒNG XỬ LÝ VƯỚNG MẮC VỀ THUẾ GTGT

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thời gian qua Tổng cục Hải quan nhận được ý kiến của các đơn vị có vướng mắc về việc thực hiện Thông tư 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính và Công văn hướng dẫn số 1266/TCHQ-KTTT ngày 3/4/2001 của Tổng cục Hải quan. Một số vấn đề vượt quá thẩm quyền, Tổng cục Hải quan đang trao đổi với Bộ Tài chính. Những vấn đề trong phạm vi trách nhiệm của mình, Tổng cục tổng hợp và hướng dẫn chung như sau:

1) Về thẩm quyền truy thu, truy hoàn thuế GTGT:

Căn cứ quy định tại phần I, Mục H Thông tư 122/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính thì Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thu thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu, trách nhiệm hoàn thuế GTGT thuộc về Bộ Tài chính (quy định trên nhằm quản lý quỹ hoàn thuế GTGT được chặt chẽ). Vì vậy, trong trường hợp điều chỉnh tăng thuế GTGT thì cơ quan Hải quan vẫn thực hiện truy thu. Nhưng tất cả các trường hợp điều chỉnh giảm thuế GTGT (bao gồm cả trường hợp bổ sung C/O) hoặc hoàn trả thuế GTGT (kể cả trường hợp hàng tịch thu phải hoàn thuế GTGT...) thì cơ quan Hải quan không ra quyết định hoàn thuế mà có văn bản xác nhận số thuế nộp thừa hoặc số thuế phải hoàn trả, gửi cơ quan Thuế nội địa nơi quản lý doanh nghiệp để thực hiện khấu trừ vào số thuế GTGT phải nộp ở đầu ra cho đối tượng được hoàn hoặc trả theo quy định.

Các trường hợp Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã ra quyết định hoàn thuế thì ngừng ngay việc thực hiện Quyết định và có văn bản thông báo cho cơ quan Thuế nội địa để tiếp tục thực hiện khấu trừ hoặc hoàn trả cho đối tượng nộp thuế.

Đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế GTGT như: nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, quà biếu, quà tặng... nếu doanh nghiệp đến khai báo thay đổi mục đích sử dụng thì cơ quan Hải quan chỉ thực hiện truy thu số tiền thuế nhập khẩu, tiền phạt chậm nộp thuế nhập khẩu (nếu có), nhưng không thực hiện truy thu số thuế GTGT phải nộp, mà có văn bản thông báo với cơ quan Thuế nội địa để phối hợp thu đủ số thuế cho Ngân sách Nhà nước.

Việc xử lý tồn đọng đối với các lô hàng nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu đã thu thuế GTGT (trên số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm chưa xuất khẩu ngoài thời gian ân hạn 275 ngày) và đã nộp vào tài khoản tạm thu thì thực hiên theo hướng dẫn của Tổng cục tại Công văn số 2793/TCHQ-KTTT, ngày 5/7/2001.

2) Đối với máy móc, thiết bị phương tiện vận tải là đối tượng không thu thuế GTGT:

Về vấn đề bất bình đẳng trong việc xác định đối tượng được hưởng không thu thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng nhập khẩu làm TSCĐ, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần có văn bản phản ánh với Bộ Tài chính. Trong khi chưa có ý kiến sửa đổi chính thức của Chính phủ và Bộ Tài chính thì các hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở sản xuất và các đối tượng khác không phải là doanh nghiệp theo quy định tại điểm 4, mục II, phần A, Thông tư 122/2000/TT-BTC không được hưởng quy định này. (Riêng các đơn vị hành chính sự nghiệp nhưng có chức năng kinh doanh - có giấy chứng nhận đăng ký thuế, nhập khẩu máy móc, thiết bị loại trong nước chưa sản xuất được để tạo tài sản cố định theo dự án đầu tư thì thực hiện theo nội dung Công văn số 2268/TCQH-KTTT ngày 4/6/2000 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, số máy móc, thiết bị này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT). Các trường hợp khiếu nại về đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định này, đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn làm công văn trực tiếp gửi Bộ Tài chính để được xem xét giải quyết.

Về cơ sở để xác định thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ loại trong nước đã sản xuất được hay chưa, trước mắt vẫn thực hiện theo Quyết định 214/1999/QĐ-BKH ngày 26/4/1999 và Công văn số 3836 BKH/CN ngày 16/6/1999 của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Một số đơn vị hỏi khi xác định loại tàu cánh ngầm cao tốc trong nước đã sản xuất được hay chưa, Bộ Kế hoạch và đầu tư có Công văn số 2626 BKH/CN ngày 26/4/2001 nêu rõ: Hai tiêu chí cơ bản của phương tiện vận tải thuỷ là trọng tải (đối với tàu chở khách là số chỗ ngồi) và tốc độ; các thông số về kích thước và hình dáng hình học không dùng làm chuẩn so sánh trong việc thực hiện Quyết định 214/1999/QĐ-BKH. Do đó, các loại tàu cánh ngầm, tàu cao tốc chở khách nếu có số chỗ ngồi đến 300 chỗ hoặc tàu chuyên dụng tốc độ cao đến 32 hải lý thì thuộc loại trong nước sản xuất được.

3- Trường hợp hàng hoá nhập khẩu con nằm trong sự quản lý và giám sát của Hải quan cửa khẩu nhưng vì lý do nào đó được phép tái xuất hoặc buộc phải tái xuất nhưng đã có thông báo thuế nhập khẩu và thuế GTGT, nhưng doanh nghiệp chưa nộp thuế thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra quyết định không thu thuế nhập khẩu và thuế GTGT trong trường hợp này. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thì có văn bản xác nhận gửi Cục thuế địa phương để làm thủ tục hoàn lại thuế GTGT cho đối tượng nộp thuế.

4- Về việc thực hiện Công văn 1266/TCHQ-KTTT ngày 3/4/2001 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn những điểm có liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu chưa được quy định rõ tại Thông tư 122/2000/TT-BTC, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1528/TCHQ-KTTT ngày 19/4/2001 sửa đổi bổ sung (yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ công văn này trước khi có văn bản hỏi Tổng cục). Một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục phản ánh những điểm phát sinh mới, Tổng cục xin có ý kiến như sau:

Về hồ sơ thủ tục đối với các lô hàng nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu quy định tại điểm 6.5 Công văn 1266/TCHQ-KTTT, không yêu cầu doanh nghiệp nộp hợp đồng xuất khẩu theo từng chuyến mà có thể xuất trình hợp đồng bao gồm sản phẩm ký với nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp không xuất trình được hợp đồng xuất khẩu thì phải yêu cầu doanh nghiệp cam kết lô hàng nhập khẩu thuộc loại hình sản xuất hàng xuất khẩu và phải thực hiện đăng ký định mức tiêu hao nguyên vật liệu tại thời điểm nhập khẩu nguyên liệu. Khi xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp phải xuất trình hợp đồng xuất khẩu và định mức thực tế sử dụng nguyên vật liệu, để đảm bảo yêu cầu về thủ tục hồ sơ thanh khoản tờ khai nhập khẩu nguyên vật liệu theo đúng quy định.

5- Về danh mục các loại hoá chất cơ bản áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%, về nguyên tắc chỉ những mặt hàng đúng tên gọi, đúng công thức hoá học hay ký hiệu mới được hưởng thuế suất thuế GTGT là 5%. Trường hợp phát hiện có sự nhầm lẫn trong in ấn (ví dụ cùng một công thức hoá học C10H8 nhưng có hai chất Naphthalen và Xylene...) thì hướng dẫn doanh nghiệp gửi công văn trực tiếp đến Bộ Tài chính để được xem xét cụ thể.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc gì thì báo cáo để Tổng cục hướng dẫn bổ sung.

Công văn này thay trả lời các fax số 912 ngày 26/4/2001, số 1011 ngày 9/5/2001, Công văn số 1024 ngày 10/5/2001 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh; fax số 66 ngày 28/6/2001 của Cục Hải quan Cà Mau; fax số 514 ngày 9/5/2001 của cục Hải quan Tây Ninh; Công văn số 364 ngày 5/6/2001 của Cục Hải quan An Giang; Công văn số 247/HQCT-GQT ngày 17/5/2001 của Cục Hải quan tỉnh Cần Thơ; một số điểm tại fax số 227 ngày 20/6/2001 của Cục Hải quan TP. Đà Nẵng; những vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền của mình như vấn đề nêu tại Công văn số 1123/CHQTP-NV ngày 18/5/2001 của cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và của một số đơn vị khác, yêu cầu các đơn vị tự xem xét giải quyết.

 

Hoả Ngọc Tâm

(Đã ký)