Công văn 3288/BHXH-TT năm 2024 về Bộ nhận diện ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Số hiệu 3288/BHXH-TT
Ngày ban hành 20/09/2024
Ngày có hiệu lực 20/09/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đào Việt Ánh
Lĩnh vực Bảo hiểm

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3288/BHXH-TT
V/v ban hành Bộ nhận diện ngành BHXH Việt Nam

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(Sau đây gọi chung là các đơn vị)

Để nhận diện thống nhất hình ảnh về ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong toàn hệ thống, BHXH Việt Nam thiết kế và ban hành Bộ nhận diện ngành BHXH Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bộ nhận diện). Bộ nhận diện được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị của Logo BHXH - biểu trưng của BHXH Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 148/QĐ-BHXH-TCCB ngày 15/01/1999 của của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (sau đây gọi là Logo BHXH Việt Nam).

BHXH Việt Nam hướng dẫn triển khai, thực hiện về Bộ nhận diện, cụ thể như sau:

1. Mục đích

- Bộ nhận diện là cơ sở để các tổ chức, cá nhân nhận diện thống nhất, chính xác các chế độ BHXH, BHYT thuộc hệ thống an sinh do Đảng và Nhà nước đảm bảo cho người lao động và Nhân dân, không vì mục tiêu lợi nhuận, do ngành BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện. Đồng thời, Bộ nhận diện là cơ sở để nhận diện cơ quan BHXH các cấp thống nhất, được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp củng cố niềm tin của Nhân dân, người lao động vào các chính sách an sinh xã hội để tin tưởng, yên tâm khi tham gia, thụ hưởng.

- Bộ nhận diện được ban hành để ứng dụng vào các sản phẩm phục vụ công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT và các hoạt động của Ngành do các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện tổ chức, qua đó khẳng định tính thống nhất, đồng bộ, sự chuyên nghiệp trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam.

2. Yêu cầu

- Bộ nhận diện thuộc bản quyền của BHXH Việt Nam, được áp dụng trên toàn hệ thống ngành BHXH Việt Nam. Không được sao chép, sử dụng mạo danh bất hợp pháp vào bất kỳ mục đích khác.

- Những quy chuẩn hướng dẫn của Bộ nhận diện phải được tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ để đảm bảo hình ảnh nhận diện được thống nhất, toàn diện và chính xác, tránh nhầm lẫn.

- Sử dụng Bộ nhận diện đúng mục đích, đảm bảo tính ứng dụng hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế, mục đích và nhu cầu sử dụng của đơn vị; đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.

- Chỉ thực hiện sản xuất mới Bộ nhận diện đối với các sản phẩm: văn phòng phẩm, ấn phẩm truyền thông, sản phẩm quà tặng… khi các đơn vị sử dụng hết sản phẩm đã có sẵn theo mẫu cũ trước đây.

- Việc sản xuất mới các sản phẩm theo Danh mục và Quy chuẩn Bộ nhận diện phải được Thủ trưởng đơn vị, cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo quy trình, thủ tục mua sắm, sửa chữa tài sản, hàng hóa, dịch vụ; tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan; hồ sơ thanh quyết toán theo các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của hồ sơ, hóa đơn, chứng từ, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.

- Đơn vị phát hành: Các sản phẩm ứng dụng Bộ nhận diện phải quản lý chặt chẽ, sát sao sản phẩm, chủ động kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng Bộ nhận diện theo quy định; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng Bộ nhận diện không đúng quy định.

3. Phạm vi áp dụng

Bộ nhận diện được hướng dẫn triển khai thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn ngành BHXH Việt Nam, được áp dụng cho thiết kế các sản phẩm biển hiệu, văn phòng phẩm, sản phẩm truyền thông, sản phẩm quà tặng, cụ thể như sau:

- Bộ sản phẩm biển hiệu trụ sở cơ quan BHXH, biển chức danh lãnh đạo (để bàn), biển chức danh quản lý (để bàn), biển chức danh quản lý (gắn tường), biển tên Ban, Vụ, Phòng, biển hiệu Điểm thu (sau đây gọi chung là sản phẩm ứng dụng nội thất, ngoại thất).

- Bộ sản phẩm văn phòng phẩm: Name card, phong bì, bìa kẹp tài liệu, slide trình chiếu, thẻ nhân viên thu, sổ danh bạ, sổ công tác, túi đựng tài liệu A4 (clear bag).

- Bộ sản phẩm truyền thông: Thông tin báo chí, bìa kẹp thẻ BHYT, bìa kẹp sổ BHXH, standee, bandroll, backdrop, áo polo tham gia các sự kiện, hoạt động truyền thông.

- Bộ sản phẩm quà tặng: Mũ bảo hiểm, USB, bình đựng nước uống, bút ký, áo mưa, cặp da, bình hoa, ô, dù vải, túi giấy.

(Có Danh mục sản phẩm thuộc Bộ nhận diện kèm theo)

4. Quy chuẩn Bộ nhận diện

- Về hình ảnh nhận diện: Bộ nhận diện được thiết kế gồm những hình tam giác với đường nét cứng cáp, khoẻ khoắn tượng trưng cho sự phát triển, luôn hướng về phía trước vì sự hài lòng của người tham gia thụ hưởng chính sách và thể hiện sự quyết tâm của toàn Ngành BHXH Việt Nam trong công tác chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu Chính phủ số.

- Về màu sắc nhận diện: Bộ nhận diện sử dụng màu xanh lam (kế thừa từ màu nhận diện của Logo BHXH Việt Nam. Màu xanh lam biểu trưng của Ngành BHXH Việt Nam chính là màu của an sinh xã hội, hướng tới sự an toàn, tin tưởng của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Màu xanh lam trong Bộ nhận diện được sử dụng với các cấp độ màu từ nhẹ nhàng biểu trưng cho sự bình yên, tươi mới đến xanh đậm thể hiện niềm tin, hy vọng, đồng thời luôn mang đến sự yên tâm, tin tưởng vào các giá trị nhân văn của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Ngoài ra, màu xanh lam còn thể hiện sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, sự tận tâm của đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành BHXH Việt Nam trong công tác phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách với mục tiêu luôn đặt người dân làm trung tâm phục vụ; thể hiện quyết tâm cao, tinh thần mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vì mục tiêu an sinh xã hội.

4.1. Logo - Biểu trưng của ngành BHXH Việt Nam

- Hình ảnh Logo

Logo BHXH Việt Nam là hình tròn bao trọn thân cây đại thụ được cách điệu nghệ thuật từ hình ảnh con người và bông hoa 5 cánh.

[...]