Công văn 3282/BGDĐT-TĐKT năm 2017 hướng dẫn thực hiện Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 3282/BGDĐT-TĐKT |
Ngày ban hành | 28/07/2017 |
Ngày có hiệu lực | 28/07/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Thị Nghĩa |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3282/BGDĐT-TĐKT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2017 |
Kính gửi: |
- Các sở giáo dục và đào tạo; |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm; các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị) nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 trong ngành Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động ngày 19/10/2016; khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới tiêu biểu trong dạy và học, từ đó nhân rộng, tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
2. Yêu cầu
Thi đua đổi mới, sáng tạo phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác của ngành trong từng năm học; việc xét khen thưởng phải kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng thành tích, công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy trình thủ tục; đảm bảo việc tôn vinh, khen thưởng có tác dụng nêu gương, giáo dục, có sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội; thành tích đến đâu khen đến đó; không chấp nhận việc khen thưởng nhiều nhưng kết quả công việc trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chuyển biến chậm, hiệu quả thấp.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THI ĐUA VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ
1. Đối tượng
Các cơ quan, đơn vị, trường học, tập thể nhỏ, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong ngành Giáo dục.
2. Nội dung thi đua
a) Xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Đảm bảo nhà trường, cơ sở giáo dục thân thiện; thực hiện tốt việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trường, lớp học sạch sẽ, có sân chơi, hệ thống cây xanh an toàn, thoáng mát; lớp học có đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp lứa tuổi người học; có nhà vệ sinh đạt chuẩn; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tư vấn, trải nghiệm sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, cháy nổ, thảm họa, thiên tai...; chú trọng giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, các giá trị văn hóa, hướng học sinh, sinh viên đến Chân - Thiện - Mỹ; học sinh, sinh viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nhà trường, lớp học và cá nhân.
b) Đổi mới dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội về đổi mới giáo dục; có giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; vận dụng có hiệu quả những thành tố tích cực của các mô hình dạy học tiên tiến trên thế giới; học sinh, sinh viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện đạt hiệu quả cao; tổ chức giáo dục hướng nghiệp, phân luồng có hiệu quả; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc gia và quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo dựa trên kết quả đánh giá; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
c) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế
Tạo điều kiện và khuyến khích nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để có sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học thiết thực, có giá trị và hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng ở quốc gia, khu vực và quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học nước ngoài; tăng cường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học được kiểm định của nước ngoài.
d) Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học
Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm, hệ thống: cổng thông tin điện tử, văn phòng điện tử, sổ quản lý điện tử, họp trực tuyến, tập huấn qua mạng, các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý, kho bài giảng điện tử, thư viện điện tử, dạy học qua mạng, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, phần mềm thi trực tuyến, diễn đàn khoa học trực tuyến, phòng thí nghiệm ảo, hội thảo khoa học trực tuyến...
đ) Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo hiệu quả, giúp học sinh, sinh viên thu nhận kiến thức tốt; phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng sống, năng lực giải quyết vấn đề trong thực tế đời sống của học sinh, sinh viên; có các hoạt động thiết thực hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên mang lại hiệu quả thiết thực, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
g) Đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Có nhiều giải pháp sáng tạo giúp người học thay đổi tư duy, nhận thức về việc học tập suốt đời nhằm thúc đẩy nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người học được tham gia học tập bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và của địa phương; số lượt người học được duy trì và tăng lên hàng năm; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, sáng tạo trong việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập.
3. Tiêu chí đánh giá
a) Đối với tập thể
Tổ chức thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, thiết thực; thực sự là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân; khuyến khích được nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
b) Đối với cá nhân
- Cán bộ quản lý