Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH năm 2014 hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 5555/BGDĐT-GDTrH |
Ngày ban hành | 08/10/2014 |
Ngày có hiệu lực | 08/10/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Vinh Hiển |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5555/BGDĐT-GDTrH |
Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các sở giáo dục và
đào tạo |
Nhằm hỗ trợ các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên triển khai có hiệu quả việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học (PPDH) và kiểm tra, đánh giá (KTĐG) chất lượng giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn một số nội dung sinh hoạt chuyên môn về đổi mới PPDH, KTĐG và tổ chức, quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) qua mạng như sau:
I. Mục đích
1. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn trong trường trung học và trung tâm GDTX, tập trung vào thực hiện đổi mới PPDH và KTĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh;
2. Giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu biết chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh; sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để xây dựng tiến trình dạy học theo chuyên đề nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; làm quen với hình thức tập huấn, bồi dưỡng, học tập và sinh hoạt chuyên môn qua mạng.
3. Thống nhất phương thức tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm GDTX qua mạng, tạo tiền đề tích cực cho việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
II. Yêu cầu
1. Việc xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học, các chuyên đề tích hợp, liên môn và kế hoạch dạy học bộ môn phải nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh; kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra;
2. Việc sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường trung học và trung tâm GDTX, tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trên mạng phải được thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả thiết thực. Mỗi giáo viên có 01 tài khoản để tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn qua mạng. Mỗi tổ/nhóm chuyên môn trong trường trung học và trung tâm GDTX phải xây dựng được tối thiểu 02 chuyên đề dạy học/học kỳ; tổ chức dạy thử nghiệm để dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm và nộp kết quả qua diễn đàn trên mạng.
3. Các nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn khác phải được tổ chức thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành.
III. Nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn về đổi mới PPDH và KTĐG
1. Xây dựng chuyên đề dạy học
Thay cho việc dạy học đang được thực hiện theo từng bài/tiết trong sách giáo khoa như hiện nay, các tổ/nhóm chuyên môn căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học phù hợp với việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường. Trên cơ sở rà soát chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho học sinh trong mỗi chuyên đề đã xây dựng.
2. Biên soạn câu hỏi/bài tập
Với mỗi chuyên đề đã xây dựng, xác định và mô tả 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học. Trên cơ sở đó, biên soạn các câu hỏi/bài tập cụ thể theo các mức độ yêu cầu đã mô tả để sử dụng trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá, luyện tập theo chuyên đề đã xây dựng.
3. Thiết kế tiến trình dạy học
Tiến trình dạy học chuyên đề được tổ chức thành các hoạt động học của học sinh để có thể thực hiện ở trên lớp và ở nhà, mỗi tiết học trên lớp có thể chỉ thực hiện một số hoạt động trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng.
4. Tổ chức dạy học và dự giờ
Trên cơ sở các chuyên đề dạy học đã được xây dựng, tổ/nhóm chuyên môn phân công giáo viên thực hiện bài học để dự giờ, phân tích và rút kinh nghiệm về giờ dạy. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh thông qua việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ học tập với yêu cầu như sau:
- Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
- Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác với nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị "bỏ quên".
- Báo cáo kết quả và thảo luận: hình thức báo cáo phù hợp với nội dung học tập và kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lý những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lý.
- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến thảo luận của học sinh; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.
Mỗi chuyên đề được thực hiện ở nhiều tiết học nên một nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong và ngoài lớp học. Vì thế, trong một tiết học có thể chỉ thực hiện một số bước trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng. Khi dự một giờ dạy, giáo viên cần phải đặt nó trong toàn bộ tiến trình dạy học của chuyên đề đã thiết kế. Cần tổ chức ghi hình các giờ dạy để sử dụng khi phân tích bài học.
5. Phân tích, rút kinh nghiệm bài học
Quá trình dạy học mỗi chuyên đề được thiết kế thành các hoạt động học của học sinh dưới dạng các nhiệm vụ học tập kế tiếp nhau, có thể được thực hiện trên lớp hoặc ở nhà. Học sinh tích cực, chủ động và sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Phân tích giờ dạy theo quan điểm đó là phân tích hiệu quả hoạt động học của học sinh, đồng thời đánh giá việc tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học cho học sinh của giáo viên.
Việc phân tích bài học có thể được căn cứ vào các tiêu chí cụ thể như sau:
Nội dung |
Tiêu chí |
1. Kế hoạch và tài liệu dạy học |
Mức độ phù hợp của chuỗi hoạt động học với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học được sử dụng. |
Mức độ rõ ràng của mục tiêu, nội dung, kĩ thuật tổ chức và sản phẩm cần đạt được của mỗi nhiệm vụ học tập. |
|
Mức độ phù hợp của thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng để tổ chức các hoạt động học của học sinh. |
|
Mức độ hợp lý của phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động học của học sinh. |
|
2. Tổ chức hoạt động học cho học sinh |
Mức độ sinh động, hấp dẫn học sinh của phương pháp và hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập. |
Khả năng theo dõi, quan sát, phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh. |
|
Mức độ phù hợp, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập. |
|
Mức độ hiệu quả hoạt động của giáo viên trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động và quá trình thảo luận của học sinh. |
|
3. Hoạt động của học sinh |
Khả năng tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp. |
Mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập. |
|
Mức độ tham gia tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. |
|
Mức độ đúng đắn, chính xác, phù hợp của các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. |