Công văn 285/BHXH-CSYT năm 2019 hướng dẫn thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 285/BHXH-CSYT
Ngày ban hành 25/01/2019
Ngày có hiệu lực 25/01/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Phạm Lương Sơn
Lĩnh vực Bảo hiểm,Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 285/BHXH-CSYT
V/v hướng dẫn thực hiện Thông tư số 39/2018/TT-BYT

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2019

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
(Sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh)

Ngày 30/11/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp (Thông tư số 39) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2019. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB trên địa bàn triển khai thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định tại Thông tư số 39, lưu ý một số nội dung sau:

I. Phối hợp với cơ sở KCB

1. Thống kê số bàn khám bệnh theo chuyên khoa tại Khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng (nếu có). Đồng thời kiến nghị với các cơ sở KCB chỉ tổ chức phòng khám tại khoa lâm sàng trong các trường hợp trang thiết bị dùng để khám bệnh đang dùng chung cho cả khu điều trị nội trú và khám ngoại trú (như chuyên khoa Mắt, Sản phụ khoa) hoặc Khoa khám bệnh đang sửa chữa hoặc khu khám các bệnh cần cách ly, đảm bảo tổ chức các phòng khám, khu khám bệnh liên hoàn theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện để rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám bệnh.

2. Thống kê số giường điều trị nội trú đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (giường kế hoạch được giao), số giường thực kê tại mỗi khoa/phòng.

Đối với cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT: xác định số giường thực kê bằng số giường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thống kê các giường (số giường, số phòng...) được sử dụng để điều trị Hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực, Khoa hoặc Trung tâm chống độc, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 hoặc hạng 2;

Trường hợp các bệnh viện chưa thành lập Khoa Hồi sức tích cực thì thống kê các giường tại Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc Khoa Gây mê hồi sức đáp ứng được yêu cầu về trang bị cho giường hồi sức tích cực quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc.

4. Thống kê các giường (số giường, số phòng, khoa) sử dụng để điều trị hồi sức cấp cứu tại các khoa phòng đáp ứng được yêu cầu về trang bị cho giường hồi sức cấp cứu quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT.

5. Thống kê số lượng máy chụp X quang thường, X quang số hóa, Chụp CT-Scanner đến 32 dãy, Chụp cộng hưởng từ (MRI), Siêu âm đang hoạt động.

6. Xác định số phòng khám đa khoa khu vực được chuyển đổi mô hình thành bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực được điều trị nội trú theo quy định tại Khoản 12, Điều 11, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế; xác định số giường lưu tại các Phòng khám đa khoa khu vực, Trạm y tế xã có quyết định phê duyệt giường lưu của Sở Y tế.

7. Trường hợp cơ sở KCB có thay đổi số bàn khám ngoại trú, số bác sĩ, y sĩ KCB ngoại trú, số giường được cấp có thẩm quyền phê duyệt...đã thống kê tại các Điểm 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Mục này, cơ sở KCB có trách nhiệm thông báo kịp thời đến cơ quan BHXH bằng văn bản, làm căn cứ để giám định và thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT.

II. Hướng dẫn thanh toán trong một số trường hợp cụ thể

1. Thanh toán tiền khám bệnh

a) Định mức số lượt khám bệnh/bàn khám

- Số lượt KCB/1 bàn khám/1 ngày được xác định bao gồm cả người bệnh BHYT và người bệnh không BHYT. Trường hợp một bàn khám có số lượt KCB/1 ngày (8 giờ làm việc) lớn hơn 65 lượt: thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh đối với những lượt khám BHYT từ lượt khám thứ 66 trở đi (hoặc từ lượt khám từ thứ 33 đối với bàn khám chỉ hoạt động 01 buổi/ngày). Trong thời gian tối đa 01 quý tính từ ngày phát sinh bàn khám trên 65 lượt, nếu cơ sở KCB vẫn còn bàn khám trên 65 lượt, thì từ chối thanh toán từ lượt khám thứ 66 trở đi (hoặc từ lượt khám từ thứ 33 đối với bàn khám chỉ hoạt động 01 buổi/ngày).

- Trường hợp 01 bàn khám nhưng do nhiều bác sỹ tham gia khám bệnh/1 ngày (ví dụ 01 bác sĩ khám buổi sáng, 01 bác sĩ khám buổi chiều) thì chỉ tính là 01 bàn khám, thứ tự số lượt khám để xác định mức thanh toán tính cho tất cả các lượt do các bác sỹ tham gia khám bệnh tại bàn khám đó.

- Trường hợp người bệnh đến khám tại nhiều phòng khám, bàn khám thuộc cùng một chuyên khoa trong một lần đến khám bệnh, chỉ thanh toán 01 lần tiền khám của chuyên khoa đó. Chuyên khoa được xác định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT.

b) Trường hợp cơ sở KCB có tổ chức KCB ngoài giờ hành chính, thứ 7, Chủ nhật, cơ quan BHXH thống nhất trong Hợp đồng KCB BHYT hoặc Phụ lục bổ sung hợp đồng về thời gian KCB ngoài giờ hành chính, thứ 7, Chủ nhật; số lượng bàn khám, các bộ phận cận lâm sàng phục vụ cho công tác khám bệnh triển khai ngoài giờ hành chính, thứ 7, Chủ nhật; yêu cầu cơ sở KCB phải đảm bảo nhân lực tham gia KCB ngoài giờ hành chính, thứ 7, Chủ nhật, đảm bảo thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/1 người/1 năm theo quy định của Bộ Luật lao động, không sử dụng nhân lực đang thực hiện nhiệm vụ theo quy chế thường trực. Mỗi giờ KCB ngoài giờ hành chính được cộng thêm 8 lượt KCB thanh toán bằng 100% mức giá khám bệnh.

c) Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn, được thanh toán tiền khám bệnh. Việc thanh toán tiền khám bệnh của trường hợp điều trị ngoại trú hay điều trị nội trú được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 39. Mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 02 lần mức giá khám bệnh.

Trường hợp người bệnh vào thẳng khoa lâm sàng khám và điều trị nội trú, không thanh toán thêm tiền khám bệnh.

d) Trường hợp người bệnh đến để thực hiện các DVKT đã được chỉ định (như chạy thận nhân tạo chu kỳ, phục hồi chức năng, y học cổ truyền…): không thanh toán tiền khám bệnh, ngày giường bệnh.

đ) Thanh toán tiền Hội chẩn: áp dụng đối với các trường hợp mắc bệnh nặng, hiếm gặp, cần ý kiến của chuyên khoa sâu; thanh toán theo số lượng chuyên gia của cơ sở KCB khác được mời đến hội chẩn căn cứ trên Giấy mời hội chẩn, Sổ Biên bản hội chẩn có kết luận rõ ràng và chữ kí của từng thành viên, ghi rõ họ tên và chức danh như quy định của Quy chế Hội chẩn ban hành kèm theo Quyết định số số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế; mức giá Hội chẩn được quy định cho 01 chuyên gia.

2. Thanh toán tiền giường bệnh

a) Tính số ngày điều trị nội trú

- Ngày điều trị nội trú được áp dụng tính tiền giường là ngày người bệnh có thời gian lưu và điều trị tại khoa lâm sàng từ 4 tiếng trở lên.

- Số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ (-) ngày vào viện cộng (+) 1, được áp dụng đối với các trường hợp: người bệnh nặng chưa thuyên giảm, tử vong hoặc diễn biến nặng chuyển viện lên tuyến trên hoặc gia đình xin về; người bệnh điều trị tại tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị nội trú được chuyển về tuyến dưới hoặc sang cơ sở y tế khác.

Tình trạng người bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị được xác định căn cứ kết quả thăm khám, nhận xét và tiên lượng của bác sỹ thể hiện trên hồ sơ bệnh án, biên bản hội chẩn, sổ hội chẩn, giấy chuyển viện.

[...]