Công văn về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005

Số hiệu 2666/BKH-TH
Ngày ban hành 09/05/2000
Ngày có hiệu lực 09/05/2000
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2666/BKH-TH
Về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2000

 

Kính gửi :

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Tổng công ty 91

 

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấn hành Trung ương Đảng khoá VIII đã cho ý kiến về "Dự thảo phương hướng. nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001- 2005". Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Hội Nghị Trung ương và của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty 91 một số vấn đề chủ yếu để xây dựng tốt kế hoạch 5 năm 2001-2005 của đơn vị mình.

1. Mục đích, yêu cầu.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 có vị trí quan trọng: là kế hoạch mở đầu của thế kỷ 21. Thế kỷ phát triển toàn diện và mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên toàn cầu; là kế hoạch 5 năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 phải cụ thể hoá nội dung và bước đi của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, song trong tình hình hiện nay việc xây dựng kế hoạch 5 năm sẽ tiến hành đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm nên trong việc tổ chức nghiên cứu phải phối hợp rất chặt chẽ, sử dụng kết quả của nhiều ngành, ban tránh làm trùng lặp, riêng lẻ gây lãng phí và tốn thời gian, nhất là các vấn đề chung như đáng giá thực trạng kinh tế - xã hội khi bước vào thế kỷ 21, dự báo bối cảnh quốc tế và khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21, những chủ trương, đường lối và chính sách của thời kỳ mới,....

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm là kế hoạch định hướng và là bước cụ thể của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010). Kế hoach này phải xuất phát từ nhu cầu phát triển, những dự báo về thị trường, các định hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, phát huy được những lợi thế so sánh. Kế hoạch không mang tính áp đặt, cứng nhắc theo số lượng, do phải bắt tay thực hiện ngay từ đầu tiên, nên đòi hỏi phải xác định và tính toán chặt chẽ, đưa ra nhiều phương án để lựa chọn, chú trọng cả 2 mặt định tính và định lượng. Chúng ta đã trải qua 6 kỳ kế hoạch 5 năm và thời kỳ 2001-2005 là kế hoạch 5 năm lần thứ 7 nêu cần rút kinh nghiệm các kế hoạch trước để xây dựng một kế hoạch toàn diện, thực hiện, mang tính khả thi cao, tránh tư tưởng chờ đợi, nóng vội khi bố trí kế hoạch, nhưng đồng thời cũng không quá dè dặt, không thấy hết các tiềm nămg để khai thác và huy động cho nhu cầu phát triển.

Trong việc xây dựng kế hoạch 5 năm, ngoài việc đánh giá tình hình, xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, cơ cấu kinh tế và dự báo, tính toán các cân đối lớn,... thì việc nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách, các giải pháp để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra là rất quan trọng.

Kế hoạch 5 năm phải là sản phẩm của trí tuệ tập thể các ngành, các cấp, của toàn xã hội nên cần được đưa ra bàn bạc công khai, thu thập ý kiến của nhiều nhà khoa học kinh tế, xã hội, nhiều tổ chức kinh tế, xã hội, kể cả ý kiến của một số tổ chức và cá nhân người nước ngoài (nếu thấy cần thiết).

Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở dự báo tình hình và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, phân tích sâu sắc và cụ thể những khó khăn và thuận lợi cơ bản khi bước vào kế hoạch 5 năm, khả năng huy động nội lực của từng ngành, từng địa phương trong tương lai có thể khai thác đưa vào đầu tư phát triển, khả năng mở rộng thị trường và thu hút vốn nước ngoài;

b) Kế hoạch thể hiện được tính liên tục trong sự nghiệp đổi mới theo đường lối, quan điểm của Đảng, cụ thể hoá những nội dung và bước đi của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, đẩy nhanh chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả;

c) Khai thác tối đa tiềm lực trong nước, đây là yếu tố quyết định đồng thời tranh thủ nhiều hơn các nguồn lực bên ngoài, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn cho phát triển, thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế;

d) Kết hợp thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ chiến lược: phát triển ổn định hiệu quả cao; xây dựng về cơ bản cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; tạo thé và lực để hội nhập kinh tế quốc tế thắng lợi. Kết hợp hài hoà giữa mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng.

2. Về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua (1996-2000).

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung chủ yếu vào kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu, các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 1996-2000 đã được Đại hội VIII thông qua, cần làm rõ những mặt làm được, những mặt chưa làm được, những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, những nhân tố mới, mô hình mới để phổ biến và nhân rộng. Tập trung vào các vấn đề sau:

(1) kết hợp với việc tổng kết tình hính kinh tế - xã hội 10 năm 1991 - 2000, dựa vào mức độ thực hiện kế hoạch 4 năm 1996 -1999 và dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2000, cần tập trung đi sâu đánh giá việc thực hiện các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1996- 2000, việc thực hiện các chương trình phát triển đã được đề ra trong Đại hội VIII và theo tinh thần các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương lần thứ IV,V, VI và các Nghị quyết của Quốc hội qua từng năm.

(2) Đánh giá việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững và có hiệu quả, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, chuẩn bị tiền đề cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000, chủ yếu là phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế.

(3) Đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương chính sách lớn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế với việc củng cố và đổi mới khu vực kinh tế Nhà nước đồng thời phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế khác; sự chuyển dịch kinh tế trong từng ngành, từng vùng lãnh thổ; phát triển kinh tế đối ngoại; huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, bao gồm cả nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài; giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách.

(4) Khi tổng kết, đánh giá tình hình, cần nêu cụ thể thực trạng khai thác và sử dụng các nguồn lực kinh tế trên các mặt:

- Khai thác nguồn đất đai và thực trạng sử dụng đất đai;

- Nguồn lao động và sử dụng lao động;

- Khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học công nghệ;

- Tiềm năng nguồn tài chính quốc gia, công tác huy động và sử dụng nguồn ngân sách, nguồn tài chính doanh nghiệp, nguồn tài chính từ khu vực dân cư, liên doanh, liên kết.

(5) Đánh giá cơ chế quản lý nói chung và công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch.

(6) Rút ra những kết luận và bài học kinh nghiệm.

Qua việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua, những việc làm được và những tồn tại yếu kém vẫn còn nhiều.

Các Bộ ngành địa phương cần phân tích những yếu tố chủ quan và khách quan tác động; tìm ra những nguyên nhân và những bài học cụ thể trên một số mặt như:

[...]