Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 961/KH-BHXH năm 2015 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của ngành Bảo hiểm xã hội

Số hiệu 961/KH-BHXH
Ngày ban hành 24/03/2015
Ngày có hiệu lực 24/03/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Thương mại

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 961/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2016-2020 CỦA NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020 và Công văn số 5316/BKHĐT-TH ngày 15/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2016-2020 như sau:

Phần 1.

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2011-2015

A. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

1. Thuận lợi

- Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi để BHXH Việt Nam triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2011-2020; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Sau hơn một năm thực hiện, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về công tác BHXH, BHYT đã có chuyển biến tích cực; công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Trung ương cũng như của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết liệt hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân về vị trí, vai trò của chính sách BHXH, BHYT cũng như quyền lợi, trách nhiệm trong việc tham gia BHXH, BHYT đã có bước chuyển biến cơ bản.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, các bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương luôn quan tâm phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam để tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

- Công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai có hiệu quả; các quy định, quy chế quản lý của Ngành được xây dựng, bổ sung hoàn thiện phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, thực hiện cơ chế một cửa, rà soát giảm các thủ tục hành chính không cần thiết đã góp phần công khai minh bạch các quy định, quy trình quản lý, hạn chế nhũng nhiễu tiêu cực của công chức, viên chức, tạo thuận lợi cho người lao động, nhân dân tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

2. Khó khăn

- Kinh tế phục hồi còn chậm, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao. Đặc biệt, năm 2014, sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các đối tượng xấu tại các khu công nghiệp thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh lợi dụng diễu hành phản đối Trung Quốc để phá hoại tài sản của các doanh nghiệp ở các địa phương này, tác động đến an ninh chính trị và kinh tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

- Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả chưa cao; tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

- Tình trạng lạm dụng các chế độ BHXH, BHYT còn xảy ra ở một số địa phương. Rõ nhất là lạm dụng chế độ ốm đau, thai sản; lạm dụng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT vẫn xảy ra ở nhiều cơ sở KCB. Công tác quản lý giá thuốc còn nhiều bất cập, nhiều địa phương vẫn chưa chấp hành tốt các quy định về đấu thầu thuốc dẫn đến tình trạng chênh lệch về giá thuốc giữa các cơ sở KCB trong một tỉnh và giữa các tỉnh với nhau.

- Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành còn ít; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT như trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức.

- Cơ sở vật chất của Ngành còn quá thiếu, nhất trụ sở làm việc ở nhiều đơn vị, chật chội, xuống cấp; công nghệ thông tin (CNTT) còn lạc hậu nguồn vốn đầu tư những năm qua có bố trí tăng nhưng không đáng kể so với nhu cầu.

B. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CHỦ YẾU

I. Tình hình thực hiện chính sách BHXH

1. Đối tượng tham gia và số thu BHXH

1.1. Đối tượng tham gia BHXH

Việc luật hóa chế độ chính sách BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH đạt hiệu quả. Số người tham gia BHXH tăng từ 10.201 nghìn người năm 2011 lên 11.057 nghìn người năm 2013, tương ứng tăng 8,39%, trong đó, BHXH bắt buộc tăng 7,76%, BHXH tự nguyện tăng 75%; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng 8,2%.

Ước thực hiện năm 2014, tổng số người tham gia BHXH, BHTN là 11.647 nghìn người, đạt 102% kế hoạch của Ngành. Trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 11.451 nghìn người, BHXH tự nguyện là 196 nghìn người, BHTN là 9.213 nghìn người.

Dự kiến năm 2015, tổng số người tham gia BHXH, BHTN là 11.983 nghìn người. Trong đó có 11.733 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc; 250 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và 9.851 nghìn người tham gia BHTN.

1.2. Tình hình thu BHXH

BHXH Việt Nam luôn hoàn thành đạt và vượt mức dự toán thu BHXH được giao hàng năm, năm sau cao hơn năm trước.

- Năm 2013, số thu là 117.296 tỷ đồng, tăng 69,9% so với năm 2011, trong đó:

+ Số thu BHXH bắt buộc là 106.305 tỷ đồng, vượt 4,08% so với kế hoạch, tăng 71,3% so với cùng kỳ năm 2011, tương ứng với số thu tăng 44.246 tỷ đồng;

[...]