Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 265/SGDĐT-CĐGD năm 2023 về hướng dẫn tổ chức Hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức và Người lao động tại các cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 265/SGDĐT-CĐGD
Ngày ban hành 27/09/2023
Ngày có hiệu lực 27/09/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Trần Khánh Bảo,Nguyễn Văn Hiếu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO – CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 265/SGDĐT-CĐGD
Về hướng dẫn tổ chức Hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức và Người lao động tại các cơ sở giáo dục công lập năm học 2023 - 2024

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Thủ trưởng và Chủ tịch Công đoàn cơ sở các Trường Trung học phổ thông, Trung cấp, Cao đẳng và các đơn vị công lập trực thuộc.

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13 tháng 01 năm 2016của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Luật số 10/2022/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 3855/QĐ-UBND ngày 12/9/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022;

Căn cứ Công văn số 3204/UBND-KT ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Căn cứ Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập;

Căn cứ Công văn số 204/CĐN-CSPL&QHLĐ ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và tổ chức Hội nghị CB.CC, VC,NLĐ; Hội nghị NLĐ năm 2023 - 2024 tại các cơ quan, đơn vị, trường học;

Căn cứ Quyết định số 838/QĐ-GDĐT-VP ngày 10 tháng 5 năm 2018 về Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất hướng dẫn về tổ chức Hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức và Người lao động tại các cơ sở giáo dục công lập năm học 2023 - 2024 trong ngành như sau:

I. Những quy định chung

1. Tất cả các cơ quan, trường học và đơn vị (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) trong Ngành đều phải tổ chức Hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức và Người lao động (sau đây gọi tắt là Hội nghị CB, CC, VC, NLĐ) hàng năm để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến về quản lý và xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

2. Hội nghị được tổ chức dân chủ, thiết thực, bảo đảm các nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ.

3. Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số CB,CC, VC,NLĐ của cơ quan, đơn vị hoặc ít nhất 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập có mặt dự hội nghị. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật.

4. Hình thức hội nghị

- Hội nghị thường kỳ: Tổ chức mỗi năm học/năm một lần.

+ Đối với cơ sở giáo dục, hội nghị tổ chức vào đầu năm học mới và kết thúc trước ngày 30 tháng 11).

+ Đối với đơn vị hành chính, hội nghị tổ chức vào cuối năm cũ, đầu năm mới dương lịch nhưng không chm hơn 03 tháng của năm công tác tiếp theo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết đnh sau khi lấy ý kiến của Công đoàn cơ quan, đơn vị. (mới so với NĐ 04.2015).

+ Hội nghị Cán bộ, Công chức, Viên chức và Người lao động được tổ chức bất thường khi có đề xuất của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

5. Thành phần tham dự hội nghị

- Hội nghị toàn thể: Đối với cơ quan, đơn vị có số CB,CC, VC và NLĐ từ 100 người trở xuống.

- Hội nghị đại biểu: Đối với cơ quan, đơn vị có số CB,CC, VC, NLĐ trên 100 người; hoặc có từ 100 người trở xuống nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với công đoàn cơ quan, đơn vị quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể CB,CC, VC và NLĐ hoặc đại biểu cho phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị.

[...]