Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 2587/SGDĐT-TTr năm 2021 về hướng dẫn công tác Kiểm tra nội bộ năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 2587/SGDĐT-TTr
Ngày ban hành 24/09/2021
Ngày có hiệu lực 24/09/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Trí Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2587/SGDĐT-TTr
V/v hướng dẫn công tác kiểm tra nội bộ năm học 2021-2022

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi:

- Hiệu trưởng các Trường Trung học phổ thông (cấp học cao nhất) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (công lập, ngoài công lập);
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.

Căn cứ Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục;

Căn cứ Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Giáo dục và Đào tạo) hướng dẫn công tác kiểm tra nội bộ (KTNB) đối với các Trường Trung học phổ thông (cấp học cao nhất) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc (gọi chung là đơn vị) năm học 2021 - 2022 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

- Kiểm tra nội bộ là một hoạt động của đơn vị nhằm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện hoạt động công vụ của các cá nhân, bộ phận trong đơn vị.

- Xem xét, xử lý kịp thời các hoạt động phát sinh tại đơn vị, của các cá nhân khi có sai phạm, điều chỉnh hoạt động quản lý cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

- Phòng ngừa vi phạm, kiến nghị biện pháp xử lý, kiểm điểm trách nhiệm khi có vi phạm.

- Khen thưởng các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Yêu cầu:

- Công tác kiểm tra nội bộ phải đi vào thực chất hoạt động của đơn vị, giúp đối tượng kiểm tra thực hiện đúng các quy định pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

- Nội dung kiểm tra nội bộ cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm năm học, tập trung vào việc khắc phục các hạn chế, thiếu sót, còn vướng mắc của đơn vị.

- Chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng kiểm tra.

- Việc kiểm tra phải được thực hiện theo kế hoạch hoặc khi có chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị đối với các trường hợp cần kiểm tra đột xuất.

II. Danh mục hồ sơ kiểm tra nội bộ gồm

1. Hồ sơ kiểm tra nội bộ của đơn vị

- Quyết định thành lập Ban KTNB;

- Kế hoạch KTNB năm học;

- Quyết định và kế hoạch kiểm tra đột xuất (nếu có);

- Các biên bản kiểm tra, báo cáo, thông báo kết quả kiểm tra, hồ sơ thực hiện của đối tượng kiểm tra theo cuộc kiểm tra và thực hiện kiến nghị qua Thông báo kết quả kiểm tra;

- Báo cáo sơ kết và tổng kết công tác KTNB.

2. Hồ sơ cụ thể từng nội dung trong kế hoạch kiểm tra nội bộ

- Biên bản kiểm tra;

- Kế hoạch tiến hành kiểm tra của Tổ được phân công kiểm tra;

- Báo cáo kết quả;

- Các tài liệu thu thập trong quá trình kiểm tra. Các biên bản kiểm tra và các tài liệu thu thập được phải sắp xếp theo loại nội dung kiểm tra, theo thời gian kiểm tra;

- Thông báo kết quả kiểm tra của Thủ trưởng đơn vị.

[...]