BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2572/BHXH-CSYT
V/v triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg
của Thủ tướng Chính phủ
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 07 năm 2015
|
Kính gửi:
|
- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Công An;
- Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
|
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của
Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)
và bảo hiểm y tế (BHYT), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội
Bộ Công An (sau đây gọi chung là BHXH các tỉnh), các đơn vị trực thuộc BHXH
Việt Nam triển khai một số nội dung sau:
1. Đối với BHXH các tỉnh:
a) Chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT trên địa bàn:
- Định kỳ 6 tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về kết quả thực hiện chính sách
BHXH, BHYT trên địa bàn;
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch chỉ tiêu phát triển
đối tượng tham gia BHXH, BHYT trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố để đưa
vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương;
- Đề xuất tăng cường giám sát chuyên đề của Hội
đồng nhân dân tỉnh, thành phố về việc thực hiện phát triển đối tượng tham gia
BHXH, BHYT và chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT ở địa phương.
b) Về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách
pháp luật về BHXH, BHYT:
Thực hiện tốt chương trình và kế hoạch tuyên truyền
theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 4925/BHXH-TT ngày 12/12/2014 về
Chương trình công tác tuyên truyền năm 2015, chú trọng các nội dung sau:
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Y tế, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh,
Hội Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và các Sở, Ban,
ngành có liên quan tại địa phương thực hiện tuyên truyền sâu rộng các nội dung
của Luật BHXH, Luật BHYT thông qua các hình thức: đối thoại, tọa đàm, tập huấn,
tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT cho
các nhóm đối tượng như lao động trẻ trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp,
các hội viên của tổ chức đoàn thể ở cơ sở xã, phường...
- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo, đài địa
phương và Trung ương trên địa bàn và hệ thống truyền thanh xã, phường triển
khai tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT sâu rộng và hiệu quả;
- Chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyên
truyền và sử dụng hiệu quả kinh phí tuyên truyền trong năm được giao theo hướng
dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số
1196/BHXH-TT ngày 09/4/2015 về hướng dẫn sử dụng kinh phí tuyên truyền năm 2015.
c) Về công tác thanh, kiểm tra về BHXH, BHYT:
- Phối hợp với
Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế tổ chức các đoàn
công tác liên ngành thanh tra việc thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động,
Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật BHYT; chú trọng thanh tra các đơn vị thường xuyên nợ đóng BHXH, BHYT kéo dài,
đặc biệt tại các khu công nghiệp tập trung nhiều lao động; các cơ sở KCB thường
xuyên bội chi quỹ BHYT, vượt trần đa tuyến đến...;
- Kiểm tra,
rà soát hồ sơ đóng và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp
luật, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi để hưởng BHXH, BHYT,
BHTN, phối hợp với các cơ quan chức năng
để xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật;
d) Về cải cách thủ tục hành chính:
Thực hiện tốt các quy định về thủ tục hành chính,
quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Tiến hành rà soát các thủ
tục hành chính, kiến nghị BHXH Việt Nam hủy bỏ các thủ tục hành chính thuộc
thẩm quyền không phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân
tham gia BHXH.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, rà soát loại bỏ
ngay các thủ tục không có trong quy định, thực hiện nghiêm túc việc đơn giản
hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT,
BHTN; kịp thời hướng dẫn hồ sơ, thủ tục
và giải thích cụ thể khi người dân có yêu cầu, tránh tình trạng khiếu kiện về
chế độ, chính sách BHXH, BHYT vượt cấp, kéo dài; đồng thời tích cực tham gia
cuộc thi “Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh
vực BHXH, BHYT” do BHXH Việt Nam phát động nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao
chất lượng phục vụ đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN,
tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý Nhà nước.
đ) Quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN:
- Phối hợp với
đơn vị quản lý đối tượng để lập danh sách tham gia BHXH, BHYT, rà soát tránh
trùng thẻ BHYT;
- Triển khai Quy chế phối
hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế sau khi có hướng dẫn
của liên ngành Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam tới tất cả các Chi cục Thuế và
BHXH các tỉnh, thành phố, huyện, thị trấn trong cả nước nhằm quản lý chặt chẽ,
chính xác hơn đối tượng nộp thuế, nộp BHXH; hạn chế tình trạng trốn, nợ thuế và
BHXH;
- Cấp sổ BHXH,
thẻ BHYT kịp thời, đúng thời hạn quy định;
- Theo dõi và quản lý chặt chẽ công nợ về BHXH,
BHYT.
e) Đảm bảo cân đối thu, chi quỹ BHYT:
- Đổi mới phương pháp giám định phù hợp với đặc thù
của từng cơ sở khám chữa bệnh, từng địa phương và điều kiện nhân lực của cơ
quan BHXH;
- Kiểm tra, đánh giá việc chỉ định sử dụng thuốc,
hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người
tham gia BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
g) Nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm trong thực
thi công vụ cho đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH thông qua chương trình
đào tạo, đào tạo lại, tập huấn có nội dung phù hợp với từng vị trí việc làm,
đặc biệt là BHXH cấp huyện.
h) Ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý dữ liệu về BHXH, BHYT. Quản lý dữ liệu tập trung
tại BHXH tỉnh về công tác thu, phát hành sổ
BHXH, thẻ BHYT và chi phí khám chữa bệnh BHYT; kịp thời chuyển dữ liệu về BHXH Việt
Nam để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách.
2. Đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam:
a) Ban Tuyên truyền:
- Chủ trì, phối hợp với các Ban liên quan, các Bộ
ngành, tổ chức chính trị - xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Y tế, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt
trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam...) tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về
BHXH, BHYT với nhiều hình thức, nội dung phong phú tới các tầng lớp nhân dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng;
- Chủ động phối hợp với các đơn vị trực thuộc Đài
Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân
dân, Báo Lao động và các báo viết, báo hình khác thường xuyên tuyên truyền về
chính sách BHXH, BHYT và các hoạt động của ngành BHXH;
- Kịp thời hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố các
nội dung định hướng tuyên truyền; triển khai kế hoạch tuyên truyền đảm bảo
thiết thực, hiệu quả.
b) Ban Thực hiện chính sách BHXH:
- Chủ trì, phối hợp với các Ban chuyên môn của BHXH Việt Nam: Tham mưu xây
dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật BHXH số 58/2014/QH13 năm 2014 và
Luật An toàn vệ sinh lao động; ban hành quy định
về hồ sơ, quy trình giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH số
58/2014/QH13; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện BHTN theo quy định của Luật
Việc làm số 38/2013/QH13 năm 2013;
- Tập huấn nghiệp vụ, triển khai
các quy định về thủ tục, hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH
theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13, Luật An toàn vệ sinh lao động,
Luật Việc làm số 38/2013/QH13; triển khai một số chính sách về BHXH mới ban
hành;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Pháp
chế rà soát thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH theo Kế hoạch số 993/KH-BHXH ngày 27/3/2015 của BHXH Việt Nam và quy định mới của Luật BHXH số
58/2014/QH13;
- Tăng cường công tác kiểm tra,
hướng dẫn nghiệp vụ tại địa phương.
c) Ban Thực hiện chính sách BHYT:
- Chủ trì, phối hợp với các Ban
chuyên môn của BHXH Việt Nam và các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Y tế và
Bộ ngành khác: Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, giải
pháp về BHYT theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham
gia BHYT và thụ hưởng chính sách BHYT khi đi khám chữa bệnh; Điều chỉnh giá
dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ theo lộ trình quy định tại Nghị định
số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn
vị sự nghiệp công lập; Đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi
phí khám chữa bệnh BHYT;
- Cải cách thủ tục hành chính trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong
khám chữa bệnh: Sửa đổi quy trình giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định
số 466/QĐ-BHXH ngày 19/4/2011 của Tổng
Giám đốc BHXH Việt Nam để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật BHYT;
- Hoàn thiện phần mềm ứng dụng
thống nhất trên phạm vi cả nước, liên thông giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ
quan BHXH trong năm 2015; thống nhất quản lý dữ liệu khám chữa bệnh tập trung
tại BHXH Việt Nam;
- Hướng dẫn nghiệp vụ giám định
BHYT cho BHXH các tỉnh; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện BHYT tại các địa phương
và kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế và các Bộ ngành để có biện pháp giải quyết;
- Xây dựng các giải pháp đảm bảo
cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
d) Ban Kiểm tra:
Chủ trì, phối hợp với các Ban
chuyên môn, các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội và các Bộ ngành khác tăng cường công tác thanh kiểm tra việc
chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Trong đó tập trung thanh, kiểm
tra đối với các đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT; các cơ sở KCB
thường xuyên bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; kịp thời phát hiện và có biện
pháp ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT
đ) Ban Thu:
- Kịp thời tháo gỡ các khó khăn,
vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện BHYT theo hộ gia đình trên cơ sở
cải cách thủ tục hành chính để thuận lợi cho người tham gia BHYT theo đúng quy
định của pháp luật;
- Sửa đổi Quyết định số
1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám
đốc BHXH Việt Nam để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
BHYT, Luật BHXH;
- Xây dựng giải pháp phát triển
đối tượng, đặc biệt các nhóm có tỷ lệ tham gia thấp;
- Tổ chức, đánh giá hoạt động đại
lý thu theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 01/10/2014 của Tổng Giám đốc BHXH
Việt Nam về quy định hoạt động của đại lý thu BHXH, BHYT;
- Trước mắt ban hành quy trình thu
và tập huấn cho các đại lý thu, hệ thống bưu điện để thuận lợi cho người tham
gia BHXH, BHYT;
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ tại các địa
phương;
- Phối hợp với các đơn vị có liên
quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chí, kế hoạch phát triển
BHYT và giải pháp mở rộng BHYT đối với học sinh, sinh viên. Phấn đấu đạt tỷ lệ
100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT;
e) Ban Sổ - Thẻ:
- Chủ trì, phối hợp với các Ban
chuyên môn xây dựng lộ trình thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy bằng sổ thẻ điện tử;
- Xây dựng quy trình và giải pháp
để chống trùng thẻ BHYT.
g) Trung tâm Công nghệ thông tin:
- Quản lý dữ liệu đối tượng tham
gia BHXH, BHYT tập trung tại BHXH Việt Nam;
- Quản lý dữ liệu phát hành sổ BHXH, thẻ BHYT tập trung tại BHXH Việt Nam;
h) Ban Đầu tư quỹ: Đầu tư quỹ an
toàn, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.
i) Ban Pháp chế:
- Chủ trì, phối hợp với các Ban
chuyên môn rà soát thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho
người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và theo đúng quy định của pháp luật.
- Đôn đốc, kiểm tra BHXH các tỉnh,
thành phố thực hiện giao dịch điện tử đối với việc
thực hiện thủ tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ
BHYT.
k) Trung tâm Giám định và Thanh
toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến khu
vực phía Nam (Trung tâm):
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính
sách pháp luật về BHYT đến các cán bộ y tế
của cơ sở khám chữa bệnh BHYT do Trung tâm ký hợp đồng;
- Cải cách thủ tục hành chính
trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong khám chữa bệnh theo hướng dẫn của
BHXH Việt Nam;
- Tăng cường kiểm tra, đánh giá
việc sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế; đảm bảo quyền
lợi người tham gia BHYT theo đúng quy định của pháp luật và quản lý hiệu quả
nguồn kinh phí khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh do Trung tâm ký hợp
đồng.
3. Thời gian thực hiện:
Căn cứ các nội dung được giao nêu
trên, BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam xây dựng
kế hoạch triển khai thực hiện cho đơn vị mình, hoàn thành trước 30/7/2015.
Riêng đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, trình Phó Tổng Giám đốc phụ
trách phê duyệt trước khi thực hiện.
Hàng năm, BHXH các tỉnh, các đơn
vị trực thuộc BHXH Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng BHXH Việt
Nam để tổng hợp báo cáo Tổng Giám đốc.
Trong quá trình triển khai nếu gặp
khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo Lãnh đạo Ngành để được chỉ
đạo, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH (để b/c);
- Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam;
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, CSYT (5b).
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thị Minh
|