Công văn 250/BTP-VP năm 2015 gửi nội dung Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 250/BTP-VP
Ngày ban hành 03/02/2015
Ngày có hiệu lực 03/02/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/BTP-VP
V/v gửi nội dung Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tổng kết công tác tư pháp năm 2014, Bộ Tư pháp đã nhận được kiến nghị của một số địa phương và Bộ, ngành về công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp. Đến nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng và hoàn thiện nội dung Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp năm 2014.

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, giải đáp kiến nghị của các địa phương và các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp năm 2014 (được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tại địa chỉ http://www.moj.gov.vn). Đề nghị các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành chỉ đạo việc nghiên cứu và tiếp thu những giải đáp của Bộ Tư pháp để thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ công tác tư pháp trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Hà Hùng Cường (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Sở Tư pháp, Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để t/h);
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

BẢN TỔNG HỢP TIẾP NHẬN VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ

CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ TƯ PHÁP NĂM 2014

I. LĨNH VỰC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Để hoạt động thẩm định dự thảo văn bản QPPL đạt chất lượng, việc chuẩn hóa đội ngũ trực tiếp tham gia công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là hết sức quan trọng và cần thiết. Đề nghị Bộ Tư pháp, trong quá trình xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), cần nghiên cứu, xây dựng chức danh “Thẩm định viên dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”, cũng như quy định cụ thể cơ chế, chính sách đối với đội ngũ làm công tác thẩm định này (UBND TP. Hồ Chí Minh, Sơn La).

Trả lời:

Chuyên nghiệp hóa trong xây dựng pháp luật là yêu cầu của thực tiễn. Khi hệ thống pháp luật đã hoàn thiện thì cần nghiên cứu để xây dựng một đội ngũ chuyên gia nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật. Một nghiên cứu về Luật ban hành VBQPPL gần đây cho thấy, có tới 83% cán bộ thẩm định và 77% cán bộ thẩm tra cho rằng kỹ năng chuyên môn còn hạn chế và cần chuẩn hóa các chức danh này để bảo đảm tính chuyên nghiệp. Ở địa phương có 79% người trả lời nguồn nhân lực làm công tác soạn thảo, thẩm định và thẩm tra hiện nay còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và cần chuyên nghiệp hóa cho cả khâu soạn thảo, thẩm định và thẩm tra. Nhận thức việc chuyên nghiệp hóa các chức danh xây dựng và soạn thảo VBQPPL là cần thiết nên trong Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp cũng đã đưa việc chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa các chức danh soạn thảo, thẩm định để đánh giá tác động. Theo đó, mục tiêu của việc chuẩn hóa các chức danh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản từ đó nâng cao chất lượng văn bản pháp luật; bảo đảm tính khả thi của chính sách, pháp luật, giảm tải công đoạn soạn thảo văn bản pháp luật thông qua việc chuẩn hóa các chức danh, soạn thảo, thẩm tra, thẩm định văn bản pháp luật; sử dụng hiệu quả về thời gian, nhân lực cho công tác soạn thảo ban hành văn bản và thi hành pháp luật.

Vấn đề tiêu chuẩn hóa chức danh chuyên môn trong xây dựng văn bản đã được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định những yếu tố đặc thù trong việc thực hiện nhiệm vụ để xây dựng các chức danh chuyên môn như soạn thảo, thẩm định, thẩm tra viên là chưa đủ cơ sở. Mặt khác, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng không có nhiều ý kiến về việc chuyên nghiệp hóa chức danh soạn thảo viên, thẩm định viên.

II. LĨNH VỰC PHÁP CHẾ

1. Kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn về biên chế và tổ chức bộ máy pháp chế tại địa phương để các quy định của Nghị định được thực thi trên thực tế (UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Trả lời:

Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, ngày 23/8/2011 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (Quyết định số 1477/QĐ-BTP), trong đó xác định Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế, tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ xây dựng các Nghị định liên quan đến tổ chức bộ máy, nhất là Nghị định thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nên Thông tư liên tịch chưa được ban hành.

Để bố trí biên chế cho các tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã làm việc nhiều lần với Bộ Nội vụ và thông qua các cuộc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu, giúp UBND các tỉnh, thành phố để bố trí biên chế các tổ chức pháp chế theo hướng điều chuyển biên chế trong tổng số biên chế của địa phương, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP) quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, để hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức và bố trí biên chế các tổ chức pháp chế ở địa phương, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BNV-BTP ngày 22/12/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, trong đó xác định Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế tại địa phương; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động và rà soát, sắp xếp, bố trí biên chế, công chức thực hiện công tác pháp chế trong tổng số biên chế công chức của UBND cấp tỉnh, phù hợp với chức năng và bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Kiến nghị Bộ Tư pháp yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí biên chế thành lập mới và kiện toàn tổ chức pháp chế theo quy định trong thời gian sớm nhất để bộ máy đi vào hoạt động ổn định (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì Phòng Pháp chế được thành lập tại 14 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh. Theo quy định này, cả nước sẽ có 882 Phòng Pháp chế trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có Công văn số 80-CV/BCS ngày 06/10/2011 đề nghị cấp Ủy, tổ chức Đảng ở các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo, tiến hành kiện toàn tổ chức và triển khai có hiệu quả công tác pháp chế. Hàng năm, Bộ Tư pháp tổ chức các Đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện công tác pháp chế tại một số địa phương để ghi nhận tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí biên chế, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã kiến nghị với lãnh đạo UBND các tỉnh kịp thời kiện toàn tổ chức pháp chế, sắp xếp biên chế làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở quy định “từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới)”. Vì vậy, việc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để đưa ra phương án giải quyết.

3. Kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế Bộ, ngành, thường xuyên phối hợp với tổ chức pháp chế Bộ, ngành tổ chức chức bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xây dựng văn bản; tăng cường công tác đào tạo chuyên sâu (cả ngắn hạn và dài hạn, trong nước và nước ngoài), tập huấn thường xuyên hơn nữa đối với cán bộ làm công tác pháp chế các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế - quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm của nước ngoài về xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành, trên cơ sở đó tạo điều kiện để các cán bộ làm công tác pháp chế nắm rõ hơn thực tế thi hành pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp (Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương).

Trả lời:

[...]