Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 358/BTP-VP năm 2018 về trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 358/BTP-VP
Ngày ban hành 30/01/2018
Ngày có hiệu lực 30/01/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đỗ Đức Hiển
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 358/BTP-VP
V/v trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính Phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp được nêu trong các Báo cáo công tác tư pháp, pháp chế năm 2017 và kiến nghị được nêu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, nghiên cứu và trả lời các kiến nghị. Kết quả tổng hợp, trả lời các kiến nghị được Bộ Tư pháp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ/Mục chỉ đạo điều hành.

Bộ Tư pháp trân trọng thông báo và đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Tổ chức Pháp chế, Sở Tư pháp nghiên cứu kết quả trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Tư pháp trong thời gian tới.

Bộ Tư pháp xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, VP (TH).

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG

 


Đỗ Đức Hiển

 

BẢN TỔNG HỢP TIẾP NHẬN VÀ NỘI DUNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, UBND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH, HƯỚNG DẪN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA BỘ TƯ PHÁP TRONG NĂM 2017

(Được tổng hợp từ các Báo cáo công tác tư pháp, pháp chế năm 2017 và kiến nghị được nêu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2018)

I. LĨNH VỰC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

1. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn, cụ thể:

- Theo quy định tại Điều 30 của Luật thì HĐND, UBND cấp huyện chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp để quy định những vấn đề được luật giao. Thực tế, việc giao HĐND, UBND cấp huyện cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại các luật là rất ít mà chủ yếu được giao bởi các văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh. Mặt khác, HĐND, UBND cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật mục đích chủ yếu là để quy định các chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định này.

- Theo Điều 12 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì văn bản quy phạm pháp luật chỉ được bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy vậy, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không quy định về mẫu hoặc kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, Điều này gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể về nội dung này (UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Trả lời:

Thứ nhất, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã:

Ngày 28/11/2016, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL trả lời về một số quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung trả lời về quy định tại Điều 30 của Luật năm 2015. Cụ thể như sau:

Điều 30 của Luật năm 2015 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Như vậy, kể từ ngày Luật năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/7/2016), HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được giao trong luật, không phải trong các loại văn bản khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực để cụ thể hóa các quy định của văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên như: nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ thì tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản thay thế hoặc bãi bỏ”.

Trường hợp UBND cấp huyện cần có VBQPPL quy định các chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện mình thì căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 127 của Luật năm 2015, Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh để quy định các chính sách đặc thù áp dụng trên địa bàn huyện.

Thứ hai, về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật:

Luật năm 2015 không quy định biểu mẫu riêng cho việc trình bày văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng đã có các mẫu của các VBQPPL trong đó có mẫu các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND; Căn cứ vào văn bản cần bãi bỏ, cơ quan có thẩm quyền xác định hình thức văn bản bãi bỏ cho phù hợp. Ví dụ: để bãi bỏ một hoặc một số quyết định của UBND cấp tỉnh thì UBND ban hành quyết định để bãi bỏ. Thể thức, kỹ thuật trình bày quyết định bãi bỏ phải tuân thủ theo mẫu quy định tại Mẫu số 18 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Thực tiễn thời gian qua, nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác do mình đã ban hành (Ví dụ: Quyết định số 30/2017/QĐ-TTg ngày 07/7/2017 về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tư số 04/2017/TT-BTP ngày 12/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành, Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc bãi bỏ văn bản). Nhìn chung, qua theo dõi và tiếp nhận thông tin phản hồi thời gian qua cho thấy các cơ quan chủ trì soạn thảo không gặp vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ các văn bản khác.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng, phát hành Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng chính sách; đánh giá tác động của chính sách; kỹ năng soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng xây dựng chính sách, phân tích chính sách; báo cáo đánh giá tác động của chính sách; nghiệp vụ thẩm định (UBND tỉnh Hậu Giang).

Trả lời:

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 11/9/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật năm 2015 và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 19/11/2015 về việc triển khai thi hành Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thi hành Luật năm 2015 với nhiều hoạt động như: tổ chức hội nghị quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản và hội nghị tập huấn chuyên sâu với sự tham gia của đại diện tất cả các Bộ, ngành, địa phương; in ấn tài liệu phổ biến Luật năm 2015 và xây dựng sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước.

Đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về Luật năm 2015, từ khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức trên 10 Hội nghị tập huấn và các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách; đánh giá tác động của chính sách; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật… Đối tượng tham dự tập huấn, bồi dưỡng là cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND, HĐND, Sở Tư pháp, pháp chế các Sở, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc. Các hội nghị này tập trung giới thiệu quy định mới của Luật năm 2015 và một số kỹ năng cần thiết trong việc áp dụng các quy định đó trong công việc thực tiễn như đánh giá tác động chính sách, soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc áp dụng Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn các cuốn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mang tính “cầm tay chỉ việc”, gồm: Sổ tay hướng dẫn quy trình xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Sổ tay soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và Sách hỏi - đáp về Luật năm 2015. Hiện các cuốn tài liệu nêu trên đều đang trong giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện.

Trong thời gian tới, sau khi hoàn thành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ nên trên, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho các Bộ, ngành, địa phương về quy trình, kỹ năng xây dựng chính sách, nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

3. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, cải tiến, đơn giản hóa công tác báo cáo, rà soát lại tất cả các quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định về chế độ báo cáo, thống kê để đơn giản hóa công tác báo cáo (định kỳ 06 tháng, 01 năm chỉ nên có 1 Báo cáo chung về công tác tư pháp trong đó đã bao gồm các lĩnh vực chuyên sâu, không nên báo cáo thêm chuyên đề, sẽ chồng chéo, trùng số liệu, thông tin, lãng phí thời gian) - (UBND tỉnh: Cao Bằng, Quảng Bình)

[...]