Công văn 3272/BTP-VP năm 2015 trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 3272/BTP-VP
Ngày ban hành 09/09/2015
Ngày có hiệu lực 09/09/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3272/BTP-VP
V/v trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2015

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Trên cơ sở kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tư pháp xin gửi Bản tổng hợp và trả lời đối với các kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc nghiên cứu và tiếp thu những giải đáp của Bộ Tư pháp để nhằm thực hiện tốt hơn công tác pháp chế, tư pháp của Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để nghiên cứu, tiếp thu);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để nghiên cứu, tiếp thu);
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

BẢN TỔNG HỢP TIẾP NHẬN VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015

I. LĨNH VỰC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

1. Đề nghị Bộ Tư pháp kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét, chỉ đạo để có giải pháp giải quyết khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (UBND thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; Bộ Xây dựng).

Trả lời:

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP). Sau hơn 04 năm triển khai thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: công tác pháp chế từng bước đi vào nền nếp; tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn một bước; chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế đã được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN và bảo vệ lợi ích của Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác pháp chế còn có một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định. Kết quả kiểm tra, khảo sát cũng như tổng hợp phản ánh, kiến nghị của nhiều Bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc triển khai công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể là: chưa thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút người làm công tác pháp chế; còn một số lượng cán bộ pháp chế ở địa phương chưa được chuẩn hóa cử nhân luật; tổ chức pháp chế ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp tuy nhiên việc kiện toàn tổ chức, biên chế lại chưa được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức; một số Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ ban hành chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, do đó, đã gây khó khăn cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện.

Trước tình hình nêu trên, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ, ngành và một số địa phương nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; báo cáo kịp thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tại nhiều phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, triển khai tốt Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Ngày 08/4/2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ với các Bộ, ngành có liên quan về tình hình tổ chức và hoạt động của các Phòng Pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngày 17/7/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5592/VPCP-TCCV về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về tổ chức và hoạt động của các Phòng Pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: (1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí hợp lý biên chế công chức làm công tác pháp chế tại các Sở trong tổng biên chế được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng, phù hợp với yêu cầu công tác của từng Sở và địa phương; (2) Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương về mô hình tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề xuất sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được Chính phủ thông qua, sẽ triển khai việc sửa đổi Thông tư của Bộ Nội vụ, các Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ với các Bộ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu cần thiết).

Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2015, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đồng thời, đã tiến hành lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định nói trên. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho người làm công tác pháp chế theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm thu hút cán bộ làm công tác pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng).

Trả lời:

Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành (Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23/8/2011), theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các Bộ, ngành, ngày 06/12/2011, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế (Tờ trình số 42/TTr-BTP), sau đó, tại các kỳ họp của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo chủ trương của Chính phủ, để thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thì việc ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề sẽ được xử lý trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp khi Đề án này được thông qua.

Để khuyến khích đội ngũ những người làm công tác pháp chế, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành ban hành một số VBQPPL để quy định mới, điều chỉnh tăng mức kinh phí cho một số hoạt động liên quan đến công tác pháp chế như: Thông tư số 129/2013/TT-BTC ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế; Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của liên bộ Tài chính, Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống văn bản QPPL; Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 của liên bộ Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Thời gian tới, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế.

3. Kiến nghị về việc hướng dẫn cụ thể về khoản 2 Điều 17 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật theo quy định khoản 2 Điều 17 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Trả lời:

Qua theo dõi Bộ Tư pháp thấy rằng: hiện nay có một số lượng tương đối lớn người làm công tác pháp chế ở các địa phương chưa có trình độ cử nhân luật, chưa đáp ứng tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (ở địa phương có khoảng 1186/2348 người có trình độ đại học luật trở lên, đạt hơn 47%, còn lại là có trình độ đại học chuyên ngành khác)[1].

Để giải quyết vấn đề này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 55/2011/NĐ-CP do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng: đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mà chưa có trình độ cử nhân luật thì được tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời hạn hoàn thành tiêu chuẩn cử nhân luật, theo đó, sau 05 năm kể từ ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.

Ngoài ra, để góp phần giải quyết thực trạng người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật, Bộ Tư pháp đã giao Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình đào tạo khung các lớp đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành luật cho đội ngũ người làm công tác pháp chế (Quyết định số 290/QĐ-BTP ngày 06/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành). Đến nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng được Chương trình đào tạo nói trên và sẽ triển khai thực hiện trong Quý IV/2015 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Để chuẩn hóa và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị Lãnh đạo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện cho người đang làm công tác pháp chế ở cơ quan, đơn vị mình tham dự Chương trình đào tạo nêu trên do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức.

4. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương để trao đổi, học tập kinh nghiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Thanh tra Chính phủ; Thông tấn xã Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng).

[...]