Công văn 4253/BTP-VP năm 2014 trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4253/BTP-VP
Ngày ban hành 08/10/2014
Ngày có hiệu lực 08/10/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4253/BTP-VP
V/v trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp 8 tháng đầu năm 2014, Bộ Tư pháp xin gửi Bản tổng hợp và trả lời đối với các kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề nghị các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo việc nghiên cứu và tiếp thu những giải đáp của Bộ Tư pháp để nhằm thực hiện tốt hơn công tác pháp chế, tư pháp của Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân trong thời gian tới./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Vụ Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để nghiên cứu, tiếp thu);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để nghiên cứu, tiếp thu);
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

BẢN TỔNG HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ

CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BỘ TƯ PHÁP 8 THÁNG ĐẦU NĂM NĂM 2014
(Kèm theo Công văn số: 4253
/BTP-VP ngày 08/10/2014 của Bộ Tư pháp)

I. LĨNH VỰC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

1. Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo về công tác pháp chế các Bộ, ngành và công tác tư pháp, pháp chế các địa phương để trao đổi học tập kinh nghiệm góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế; đề nghị Bộ Tư pháp phát huy tốt hơn nữa vai trò góp ý, hướng dẫn với hoạt động pháp chế các Bộ, ngành (UBND thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch).

Trả lời:

Trước hết, có thể khẳng định trong nhiều năm qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đã thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, cũng như hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về công tác pháp chế đã tạo cơ hội cho những người làm công tác pháp chế gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác tư pháp nói chung, công tác pháp chế nói riêng, theo đó cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được, nêu những khó khăn, vướng mắc, xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; đồng thời, tăng cường công tác phối kết hợp, gắn kết giữa các cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, giữa các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương với nhau. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương tại các hội nghị, hội thảo, Bộ Tư pháp cũng kịp thời có văn bản góp ý, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ trên các mặt công tác pháp chế, từ công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật,... đến công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Để triển khai công tác pháp chế năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị triển khai công tác pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trên cơ sở kết quả, định hướng triển khai công tác pháp chế năm 2014 của Hội nghị, Bộ Tư pháp đã tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về công tác pháp chế như Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế tại Quảng Ninh với thành phần là cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương (ngày 02/7 - 04/7/2014); 02 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Bình Dương cho đối tượng là cán bộ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 14/7 - 19/7/2014). Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 10/2014, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2020 (Chương trình 585).

Bên cạnh đó, nhằm góp phần đưa công tác pháp chế của Bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thời gian qua, tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, Bộ Tư pháp thường xuyên có hướng dẫn và kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế; bảo đảm kinh phí cho công tác pháp chế và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác pháp chế. Đồng thời, tiến hành việc hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ đối với pháp chế các Bộ, ngành, địa phương thông qua các hoạt động kiểm tra, khảo sát về công tác pháp chế, tổ chức hội nghị sinh hoạt pháp chế Bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước theo định kỳ hàng năm.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, Bộ, ngành, địa phương, tiếp tục phát huy vai trò của mình đối với công tác pháp chế, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, cũng như tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về công tác pháp chế. Theo đó, sẽ xây dựng Kế hoạch triển khai công tác pháp chế ngay từ đầu năm để định hướng các hoạt động trọng tâm cho công tác pháp chế, giúp cho công tác pháp chế của Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề nghị các tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động trong việc chủ trì hoặc đề xuất phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, cũng như các nội dung cần hướng dẫn về công tác pháp chế thuộc phạm vi quản lý để Bộ Tư pháp có kế hoạch hướng dẫn kịp thời và hiệu quả.

2. Đề nghị Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án luật, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trả lời:

Để thực hiện nhiệm vụ thẩm định nêu trên, trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ thực hiện công tác này. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1048/QĐ-BTP về thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL quy định cụ thể về tiêu chí, trình tự, thủ tục thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL và quán triệt, tổ chức thực hiện (đã được thay thế bằng Quyết định số 1598/QĐ-BTP ngày 08/7/2014 của Bộ Tư pháp); chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại hợp lý hơn chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị xây dựng pháp luật, đồng thời ưu tiên bố trí biên chế cho các đơn vị xây dựng pháp luật và kinh phí cho hoạt động thẩm định văn bản QPPL.

Trên cơ sở Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tư pháp, hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định phân công Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc thẩm định. Để nâng cao chất lượng thẩm định, việc phân công đã đổi mới theo hướng một đơn vị tham gia từ khâu soạn thảo, góp ý đến thẩm định từng dự án, dự thảo văn bản QPPL. Đối với các dự thảo văn bản QPPL có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp đều thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc tổ chức các cuộc họp tư vấn thẩm định để huy động trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia các ngành, lĩnh vực có liên quan, giúp đưa ra ý kiến phản biện chính xác, khách quan hơn, bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của văn bản QPPL sau khi được ban hành. Cơ chế thẩm định thông qua Hội đồng và cuộc họp tư vấn thẩm định đã phát huy hiệu quả và hiện đang được mở rộng việc áp dụng.

Nhờ những giải pháp đã thực hiện, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng văn bản QPPL, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. Ý kiến của Bộ Tư pháp trong các báo cáo thẩm định về những mặt được và chưa được của dự thảo văn bản đã được thể hiện rõ ràng và thuyết phục hơn nên được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu nhiều hơn.

Qua thẩm định, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kịp thời kiến nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý các quy định không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định hiện hành, các quy định thiếu tính hợp lý hoặc không khả thi, trong đó có những quy định liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc để chậm tiến độ thẩm định một phần cũng do tính chất quá phức tạp của một số dự án, dự thảo văn bản mà cần có thêm thời gian để Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức hội đồng tư vấn thẩm định, bảo đảm nâng cao chất lượng công tác thẩm định, hoặc trong một số trường hợp thì hồ sơ thẩm định cũng chưa bảo đảm so với yêu cầu. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có những giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính; đồng thời đề nghị điều chỉnh kéo dài thời hạn thẩm định so với quy định hiện hành (hiện Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ dự án luật ban hành văn bản QPPL hợp nhất, trong đó có đề nghị điều chỉnh kéo dài thời hạn thẩm định) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và bảo đảm tiến độ công tác thẩm định.

3. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đặc biệt là chế độ đối với người làm công tác pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch).

Trả lời:

Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55) được ban hành, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Kế hoạch triển khai thi hành (Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23/8/2011), theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp theo nghề đối với người làm công tác pháp chế; chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế.

(i) Về việc nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế

[...]