Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Công văn 233-CV/NH14 năm 1995 hướng dẫn thi hành Quyết định số 120/NH14 do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 233-CV/NH14
Ngày ban hành 17/05/1995
Ngày có hiệu lực 17/05/1995
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đỗ Quế Lượng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 233-CV/NH14
Về việc hướng dẫn thi hành Quyết định số 120/NH14

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1995

 

Kính gửi:

- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
- Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng

 

Thực hiện Quyết định số 120-QĐ/NH14 ngày 24-4-1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể một số điểm sau đây :

I. Về tổ chức bộ máy của trung tâm thông tin tín dụng

1. Tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Trung tâm thông tin tín dụng, tên đối ngoại là Credit Information Centre, sau đây gọi tắt là CIC Trung ương, được đặt tại Vụ Tín dụng. CIC Trung ương thực hiện thu thập, lưu trữ, phân tích, xếp loại doanh nghiệp trên toàn quốc; Chỉ đạo các CIC cơ sở tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, thực hiện việc thu thập và cung cấp thông tin; Thay mặt Ngân hàng Nhà nước quan hệ với các cơ quan khác như : Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Tổng cục thống kê, Tổng cục thuế, Toà án kinh tế, cơ quan an ninh, các cơ quan thông tin báo chí ... để thu thập và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; phối hợp với các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện thông tin tín dụng; Giao dịch với các cơ quan thông tin quốc tế để thu nhập thông tin về doanh nghiệp ngoài nước. CIC Trung ương được trang bị hệ thống máy tính thích hợp cùng các phương tiện khác như điện thoại, modem truyền tin, fax để thực hiện chức năng được giao.

2. Tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

2.1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Hà và Đồng Nai được thành lập Trung tâm thông tin tín dụng, gọi tắt là Trung tâm CIC.

2.2. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, doanh số hoạt động tín dụng cao được thành lập phòng thông tin tín dụng, gọi tắt là phòng CIC.

2.3. Tại một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước còn lại thành lập tổ thông tin tín dụng, gọi tắt là tổ CIC, nằm trong phòng tổng hợp của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tổ CIC phải có ít nhất là 2 người và do một Phó trưởng phòng phụ trách.

2.4. Trung tâm, phòng, tổ CIC nói trên thuộc tổ chức bộ máy của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và là chi nhánh cơ sở của CIC Trung ương, về nghiệp vụ thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của CIC Trung ương. Trung tâm, Phòng CIC được trực tiếp giao dịch với các tổ chức tín dụng và quan hệ với Uỷ ban kế hoạch, Chi cục thống kê, Chi cục thuế ... cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn để thu thập và cung cấp thông tin về doanh nghiệp.

Trung tâm, phòng CIC được bố trí địa điểm làm việc thuận tiện để trực tiếp giao dịch với khách hàng và được trang bị ít nhất là 2 máy tính cá nhân, 2 điện thoại, 1 modem truyền tin. Tổ CIC được trang bị ít nhất là một máy tính cá nhân, 1 điện thoại, 1 modem truyền tin.

II. Thành viên của trung tâm thông tin tín dụng

1. Các Ngân hàng thương mại Quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, hợp tác xã tín dụng (được gọi tắt là các tổ chức tín dụng) đều là thành viên của CIC. Các tổ chức tín dụng phải làm đơn xin gia nhập thành viên CIC, đơn xin gia nhập thành viên được gửi về CIC Trung ương tại Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể tham gia thành viên CIC, trên nguyên tắc tự nguyện và hai bên cùng có lợi. Doanh nghiệp muốn trở thành thành viên của CIC phải có đơn xin gia nhập thành viên CIC, kèm theo bản sao Quyết định thành lập doanh nghiệp. Đơn xin gia nhập thành viên CIC và Quyết định thành lập doanh nghiệp gửi về chi nhánh CIC trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

3. CIC có trách nhiệm nhận đơn xin gia nhập thành viên CIC của các tổ chức tín dụng và của các doanh nghiệp. Sau khi xem xét đơn và các thủ tục khác, nếu thấy đủ điều kiện thì CIC Trung ương thông báo công nhận thành viên cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đó.

4. Quyền lợi của thành viên CIC :

- Được quyền tra cứu những thông tin sẵn có trong kho dữ liệu của hệ thống CIC.

- Được quyền đề nghị CIC thu thập và cung cấp cho mình những thông tin tín dụng cần thiết, kể cả thông tin trong nước và ngoài nước.

- Không phải trả chi phí cho CIC khi cần tra cứu thông tin trong nước. - Được tham gia các đợt hội thảo và tập huấn nghiệp vụ do CIC tổ chức.

5. Thành viên CIC có trách nhiệm.

5.1. Đối với thành viên là tổ chức tín dụng.

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về doanh nghiệp có quan hệ tín dụng theo các mẫu biểu do Ngân hàng Nhà nước quy định cho CIC. Không được từ chối hoặc trì hoãn việc cung cấp thông tin cho CIC. - Khi cung cấp thông tin cho CIC các thành viên phải chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

- Thành viên CIC phải phối hợp với CIC hoặc tạo mọi điều kiện cho CIC tìm kiếm những thông tin ngoài những thông tin được quy định trong mẫu biểu khi cần thiết.

- Thành viên CIC có chi nhánh ở các địa phương phải chỉ đạo các chi nhánh thực hiện đúng Quy chế và công văn hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

5.2. Đối với thành viên CIC là các doanh nghiệp.

- Gửi bản sao quyết định thành lập và giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp cho CIC.

- Gửi các báo cáo cân đối tài sản quí, năm cho CIC.

[...]