Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn số 228/BKHCN-TĐC về việc kiểm điểm tình hình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (gọi tắt là Đề án TBT) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 228/BKHCN-TĐC
Ngày ban hành 23/01/2007
Ngày có hiệu lực 23/01/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Trần Quốc Thắng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/BKHCN-TĐC
V/v kiểm điểm tình hình thực hiện Đề án TBT

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2007

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 26 tháng 5 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 444/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (gọi tắt là Đề án TBT) và Quyết định 114/2004/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về TBT. Thực hiện Điều 5 của Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xin báo cáo tình hình thực hiện Đề án TBT và hoạt động của mạng lưới TBT trong thời gian qua như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định TBT và Đề án TBT

Để triển khai 2 Quyết định nói trên, trong sáu tháng cuối năm 2005, Bộ KH&CN đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung và kế hoạch triển khai 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) tổ chức tọa đàm giới thiệu Hiệp định TBT, Đề án TBT và công tác chuẩn bị của Việt Nam thực thi Hiệp định này trước khi gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Tổng cục TCĐLCL, Văn phòng TBT Việt Nam tổ chức tập huấn về Hiệp định TBT, các cơ hội, thách thức và các biện pháp vượt qua thách thức khi thực thi Hiệp định này ở Việt Nam, sự cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để đáp ứng các nghĩa vụ của Hiệp định TBT.

Kể từ tháng 5 năm 2005 đến nay hàng chục hội nghị phổ biến, tập huấn về Hiệp định TBT đã được tổ chức trong cả nước với sự tham gia của các đại diện cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, giúp nâng cao đáng kể nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về WTO nói chung và vấn đề TBT nói riêng để có những biện pháp phù hợp tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức của việc thực thi cam kết gia nhập WTO trong đó có cam kết thực thi Hiệp định TBT. Công việc này sẽ tiếp tục là công tác trọng tâm trong thời gian tới.

2. Rà soát văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định WTO/TBT

Để triển khai công việc này, Bộ KH&CN đã có công văn số 1702/BKHCN-TĐC ngày 05 tháng 7 năm 2005, hướng dẫn tiêu chí rà soát văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, đa số các văn bản pháp quy kỹ thuật do các Bộ, ngành và địa phương ban hành không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử và cản trở thương mại quá mức cần thiết của Hiệp định TBT của WTO. Riêng nguyên tắc minh bạch hoá, do có những khác biệt trong pháp luật Việt Nam (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật) với quy định của Hiệp định TBT và quyết định, khuyến nghị của Ủy ban TBT và Hội nghị Bộ trưởng WTO về thời gian thông báo dự thảo văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và thời hạn hiệu lực của văn bản pháp quy kỹ thuật, vì vậy các văn bản của các Bộ và địa phương mới chỉ đáp ứng yêu cầu minh bạch của pháp luật Việt Nam mà chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch của WTO.

Ngày 29/06/2006 Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Luật này đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định TBT của WTO, tạo ra khung pháp lý quan trọng trong việc thực thi Hiệp định này ở nước ta khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản cấp bộ hướng dẫn thi hành Luật này, đảm bảo Luật có thể đi vào cuộc sống kể từ thời điểm Luật có hiệu lực.

Trên cơ sở thực thi Luật TC&QCKT, các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các quy trình đánh giá hợp quy sẽ được xây dựng đảm bảo tính công khai và minh bạch như Hiệp định TBT yêu cầu.

3. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam

Công việc này đã được chuẩn bị trong năm 2005 và được triển khai từ năm 2006. Theo Luật TC&QCKT kể từ ngày 01/01/2007, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ bao gồm hai cấp thay cho ba cấp như hiện nay: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS); cấp tiêu chuẩn ngành (TCN) sẽ không tồn tại.

Hiện nay, 5000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đang được rà soát nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng và của sản xuất kinh doanh; đồng thời hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi rà soát, các tiêu chuẩn không cần thiết sẽ được loại bỏ, các tiêu chuẩn lạc hậu với trình độ khoa học và kỹ thuật sẽ được sửa đổi theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn mới cũng được đề xuất xây dựng nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt các công trình quốc gia và nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng, an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước.

Đối với việc chuyển đổi tiêu chuẩn ngành (TCN), Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để ban hành trong Quý I/2007 các Thông tư hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi theo đúng quy định của Luật TC&QCKT, trong đó các tiêu chuẩn ngành đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước liên quan đến an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, bảo vệ động thực vật, môi trường, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ được chuyển thành quy chuẩn kỹ thuật; các tiêu chuẩn ngành nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại và đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia sẽ chuyển thành tiêu chuẩn quốc gia; và các tiêu chuẩn ngành còn lại sẽ huỷ bỏ.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (tiêu chuẩn doanh nghiệp) và áp dụng tiêu chuẩn, kể cả tiêu chuẩn quốc gia, nước ngoài, khu vực và quốc tế, đẩy mạnh công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

4. Việc tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước và thúc đẩy thương mại

Căn cứ vào nhiệm vụ đề ra trong Đề án TBT, hiện nay Đề án tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp và Phương án kiểm soát và ngăn chặn hàng kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam đang được Bộ KH&CN khẩn trương soạn thảo và lấy ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành. Việc soạn thảo đề án và phương án này chậm so với yêu cầu đề ra trong Đề án, do phải tiến hành đánh giá, khảo sát để làm căn cứ cho việc đưa ra phương án thích hợp; đồng thời cần đạt được sự đồng thuận của các Bộ hữu quan. Dự kiến các văn bản sẽ được Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong quý I/2007.

Để quản lý tốt hơn chất lượng thiết bị điện, điện tử ở nước ta cũng như trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN về tiêu chuẩn chất lượng, Bộ KH&CN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tham gia Hiệp định của ASEAN về Quy chế quản lý hài hòa các thiết bị điện, điện tử. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại đối với các sản phẩm này của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các Bộ có liên quan đang nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết với các nước thành viên WTO các Hiệp định hoặc Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

5. Thành lập và hoạt động của Ban liên ngành về TBT

Trên cơ sở Quyết định số 444/QĐ-TT, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2788/QĐ-BKHCN ngày 3 tháng 11 năm 2005 về thành viên Ban liên ngành về TBT. Theo Quyết định này Ban liên ngành về TBT bao gồm 19 thành viên là đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng đã ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-BKHCN ngày 20/3/2006 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về TBT, làm căn cứ cho hoạt động của Ban này đáp ứng chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 444/QĐ-TTg.

Trong thời gian qua, với chức năng tham mưu, tư vấn và tăng cường sự phối hợp liên tịch để thực thi Hiệp định TBT ở Việt Nam, Ban liên ngành về TBT đã tập trung vào các hoạt động sau:

- Tổ chức hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về Hiệp định TBT, chức năng, nhiệm vụ và các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2006 đối với các thành viên của Ban liên ngành và Mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp về TBT (gọi tắt là mạng lưới TBT), chuẩn bị đáp ứng các nghĩa vụ thực thi Hiệp định TBT kể từ thời điểm gia nhập WTO;

- Hỗ trợ thành lập và hướng dẫn hoạt động cho các Điểm TBT và Mạng lưới TBT của Bộ và địa phương;

- Tham dự hội nghị của Ủy ban TBT của WTO với tư cách quan sát viên nhằm nắm bắt các diễn biến và xu hướng của diễn đàn này, chuẩn bị cho việc tham dự chính thức của Việt Nam sau này có hiệu quả;

- Tham gia xây dựng chương trình thực hiện Đề án 444 về TBT cho năm 2006 và giai đoạn 2006-2010;

[...]