Công văn 2240/TTCP-PC năm 2020 về trả lời phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định của Luật tiếp công dân, Luật tố cáo do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 2240/TTCP-PC
Ngày ban hành 23/02/2020
Ngày có hiệu lực 23/02/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2240/TTCP-PC
V/v trả lời phản ánh, kiến nghị

Hà Nội, ngày 23 tháng 2 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH Code One

Phúc đáp đơn phản ánh, kiến nghị của Công ty TNHH Code One tại Cổng Dịch vụ công quốc gia liên quan đến một số quy định của Luật tiếp công dân, Luật tố cáo, Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Vấn đề ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 18 Luật tiếp công dân năm 2013, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân. Ngoài ra, Luật cũng quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương (Khoản 6 Điều 11), Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh (Khoản 6 Điều 12), Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện (Khoản 6 Điều 12), Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở UBND cấp xã (Khoản 2 Điều 15).

Việc quy định thẩm quyền ban hành nội quy tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan như trên là cần thiết nhằm đảm bảo tính kỷ luật, nghiêm túc, nề nếp tại nơi tiếp công dân, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt và phù hợp với các cơ quan trong công tác tiếp công dân. Trường hợp phát hiện chủ thể nào ban hành quy định hạn chế quyền công dân trong nội quy, quy chế tiếp công dân thì cá nhân, tổ chức có quyền kiến nghị người ban hành quy định đó sửa đổi hoặc kiến nghị lên Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đó để xem xét, xử lý.

2. Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có những đặc thù riêng về tổ chức và hoạt động. Do đó, việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cũng có những đặc thù riêng. Do đó, Điều 67 Luật tố cáo năm 2018 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết Chương VI của Luật này và các điều, khoản được giao trong Luật; quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân”. Trên cơ sở quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tố cáo; Nghị định số 28/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/2/2019 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Việc ban hành các Nghị định này là phù hợp với quy định của Luật tố cáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trên đây là ý kiến của Thanh tra Chính phủ về các vấn đề mà Công ty TNHH Code One phản ánh, kiến nghị.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Thanh tra CP (để b/c);
- Lưu: VT, PC.

KT. TỔNG THANH TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA




Nguyễn Văn Thanh