Công văn 20/UBDT-CSDT hướng dẫn chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển năm 2008 do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 20/UBDT-CSDT
Ngày ban hành 10/01/2008
Ngày có hiệu lực 10/01/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Hà Hùng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 20/UBDT-CSDT
V/v Hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển năm 2008

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi:

Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi, các tỉnh có miền núi và các tỉnh vùng đồng bào dân tộc Nam Bộ

 

Căn cứ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định số 20; Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT-BTM-UBDTMN-BTC-BKHĐT ngày 12/8/2002 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn thi hành Nghị định số 20; Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 19/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008; Quyết định số 3658/QĐ-BTC ngày 20/11/2007 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2008; Quyết định số 187/QĐ-BKH ngày 19/11/2007 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển thuộc Ngân sách nhà nước năm 2008. Sau khi thống nhất với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chính sách trợ giá, trợ cước năm 2008 như sau:

I. TRỢ GIÁ, TRỢ CƯỚC CÁC MẶT HÀNG CHÍNH SÁCH:

1. Đối tượng, địa bàn:

- Những người đang sinh sống trên địa bàn được công nhận là miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc quy định tại Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 và Quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 06/9/2007 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và Miền núi theo trình độ phát triển.

- Đối với những địa bàn thuận lợi về giao thông, thị trường phát triển, xét thấy nếu các mặt hàng không được trợ cước vận chuyển nhưng vẫn không làm biến động giá thì Ủy ban nhân dân tỉnh có thể quyết định không trợ cước vận chuyển để tập trung kinh phí trợ giá, trợ cước cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

2. Mặt hàng và cự ly trợ cước vận chuyển:

a. Căn cứ vào nguồn vốn Trung ương cân đối trong ngân sách địa phương cho các tỉnh; trên cơ sở đánh giá hiệu quả việc trợ giá, trợ cước các mặt hàng chính sách xã hội; trợ cước tiêu thụ nông sản do đồng bào sản xuất; trợ cước vận chuyển giống thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thực hiện các mặt hàng chính sách, sản phẩm hàng hóa được trợ cước vận chuyển để tiêu thụ, trợ cước vận chuyển giống thủy sản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

b. Theo quy định hiện tại (Nghị định số 20 và 02 của Chính phủ) các mặt hàng được trợ cước vận chuyển từ tỉnh đến Trung tâm cụm xã. Để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và chỉ đạo của Quốc hội tại Mục 5 Phần III Nghị quyết số 19/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 về nhiệm vụ năm 2004 và Quyết định số 15/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007, Ủy ban nhân dân các tỉnh có thể quyết định cự ly trợ cước vận chuyển đến trung tâm xã.

c. Đối với Trợ cước vận chuyển giống thủy sản:

- Đối tượng thụ hưởng: Đồng bào sống ở khu vực III miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

- Những giống thủy sản được trợ cước vận chuyển: Tùy theo tình hình thực tế, địa phương quyết định.

- Tổ chức thực hiện:

+ Căn cứ vào thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện, năng lực thực hiện trợ cước vận chuyển tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả và chi phí thấp.

+ Trước khi thực hiện các doanh nghiệp phải lập phương án kinh doanh cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (Điểm 3 Điều 25 Nghị định 20/1998/NĐ-CP của Chính phủ).

d. Phát hành sách: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

II. TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN TIÊU THỤ SẢN PHẨM:

1. Về địa bàn:

Ưu tiên mua sản phẩm hàng hóa sản xuất ở khu vực III (bao gồm các xã, bản khu vực III và các xã khu vực II liền kề khu vực III).

2. Về mặt hàng:

Các địa phương căn cứ vào sản phẩm hàng hóa thực tế trên địa bàn tỉnh để lựa chọn một số mặt hàng có tỷ trọng lớn so với các sản phẩm khác trong vùng hoặc sản phẩm mà việc tiêu thụ có tác động quan trọng đến ổn định đời sống khuyến khích phát triển sản xuất của nhân dân trong vùng được trợ cước vận chuyển cho phù hợp, hiệu quả.

3. Về cự ly, trợ cước vận chuyển: Thực hiện theo (Điểm b, Mục 2, Phần I) của văn bản hướng dẫn này.

4. Tổ chức thực hiện: Thực hiện như hướng dẫn đối với trợ cước vận chuyển giống thủy sản (Điểm c, Mục 2, Phần I) của văn bản hướng dẫn này.

III. VỀ MỨC TRỢ GIÁ, TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN CÁC MẶT HÀNG:

Căn cứ quy định tại Điểm d, e Khoản 1 Mục V Thông tư 07/2002/TTLT/BTM-UBDTMN-BTC-BKHĐT ngày 12/8/2002 của liên Bộ hướng dẫn thi hành Nghị định 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 và Nghị định số 20/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Chính phủ; Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007, trước khi thực hiện các đơn vị cung ứng các mặt hàng chính sách và thu mua nông sản xây dựng mức trợ giá, trợ cước đối với từng mặt hàng, sản phẩm được trợ giá, trợ cước báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

IV. VỀ KINH PHÍ

Căn cứ tổng mức kinh phí được cân đối trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm, trên cơ sở Chính sách trợ giá, trợ cước (mặt hàng, sản phẩm, định mức, cự ly vận chuyển, địa bàn, đối tượng thụ hưởng Chính sách trợ giá, trợ cước…); Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước, trong đó cần ưu tiên thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

[...]