Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023 về hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1952/BHXH-TST
Ngày ban hành 28/04/2023
Ngày có hiệu lực 28/04/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Quốc Thanh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI
TP.HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1952/BHXH-TST
V/v hướng dẫn thu BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi: Các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020. Quyết định số 490/QĐ-BHXH được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn/), đề nghị các đơn vị sử dụng lao động tải toàn văn nội dung quy trình và mẫu biểu để tham khảo và thực hiện.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn một số nghiệp vụ thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN); cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT và một số lưu ý khi thực hiện Quyết định số 490/QĐ-BHXH như sau:

1. Phân cấp quản lý thu:

- Đơn vị mới thành lập đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ- BNN lần đầu tại BHXH quận, huyện (gọi chung là BHXH quận) nơi đơn vị đăng ký kinh doanh.

- Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.

- Khi đơn vị thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh sang địa bàn khác (quận/huyện/tỉnh/thành phố): chậm nhất 3 tháng kể từ ngày đăng ký thay đổi trụ sở kinh doanh phải thông báo với BHXH quận nơi đang tham gia để chuyển địa bàn theo quy định, trường hợp đơn vị không thông báo chuyển địa bàn thì BHXH quận nơi đơn vị đang tham gia sẽ tạm dừng thu BHXH và phối hợp với BHXH quận nơi đơn vị có địa chỉ trú đóng theo Giấy phép đăng ký kinh doanh mới để lập thủ tục chuyển nơi tham gia.

2. Đối tượng, mức đóng:

Theo phụ lục đính kèm văn bản này, trong đó lưu ý một số nội dung:

2.1. Người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 922/VBHN-BHXH Quyết định Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, BHYT.

2.2. Người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động (HĐLĐ) trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.

2.3. Trường hợp người lao động giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

2.4. Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.

3. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng:

3.1. Tiền lương do Nhà nước quy định:

a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điểm này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.

3.2. Tiền lương do đơn vị quyết định:

a) Tiền lương làm căn cứ đóng của người lao động, bao gồm:

- Mức lương ghi trong HĐLĐ.

- Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thực hiện từ 01/01/2018.

b) Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm: Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.

c) Tiền lương tháng làm căn cứ đóng đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định; đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do đại hội thành viên quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

d) Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

- Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; Đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; Đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

[...]