Công văn 1919/BKHCN-PTTTDN năm 2017 hướng dẫn địa phương triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu | 1919/BKHCN-PTTTDN |
Ngày ban hành | 13/06/2017 |
Ngày có hiệu lực | 13/06/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Người ký | Trần Văn Tùng |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
BỘ KHOA HỌC VÀ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1919/BKHCN-PTTTDN |
Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2016 (sau đây gọi tắt là Đề án). Trong đó, giao “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nhu cầu thực tế của lĩnh vực quản lý: xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp hằng năm và 5 năm trên cơ sở Đề án này; bảo đảm kinh phí để thực hiện các hoạt động của Đề án theo kế hoạch hằng năm và 5 năm” (quy định tại Khoản 3, Điều 2, Quyết định số 844/QĐ-TTg); và đề nghị “Các địa phương có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm có trách nhiệm báo cáo tình hình triển khai Đề án, kết quả và vấn đề phát sinh cần giải quyết cho Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ” (quy định tại Khoản 5, Điều 2, Quyết định số 844/QĐ-TTg).
Để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả triển khai Đề án trên phạm vi cả nước, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hướng dẫn một số nội dung xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án, cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch tại các địa phương
- Các nội dung của kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương phải căn cứ vào các nội dung trong Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.
- Việc xây dựng kế hoạch phải dựa trên thực trạng hệ sinh thái trên địa bàn địa phương, có ưu tiên triển khai những hoạt động cấp thiết phục vụ nhu cầu hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.
- Phải xác định rõ nguồn kinh phí cho từng nhiệm vụ trong kế hoạch.
- Tăng cường liên kết với các đơn vị tư nhân để triển khai các hoạt động hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(Tài liệu khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch xin truy cập theo đường link: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/12155/tai-lieu-huong-dan-trien-khai-de-an-ho-tro-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-den-nam-2025.aspx)
2. Định hướng triển khai Đề án tại Bộ KH&CN năm 2017
Đề án xác định rõ 02 nhóm đối tượng hỗ trợ: i) cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; ii) tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2017, do các quy định tài chính cho Đề án chưa được hoàn thiện, Bộ KH&CN tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng (ii).
a. Nội dung triển khai
Trên cơ sở ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ của các chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 171/QĐ-BKHCN ngày 7/02/2017 phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2017 (Tài liệu kèm theo Công văn này) tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính:
- Nhóm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST: gồm các hoạt động đào tạo bồi dưỡng tạo nguồn từ các trường đại học; đào tạo nâng cao về mô hình kinh doanh; đào tạo chuyên sâu kỹ năng gọi vốn đầu tư; đào tạo huấn luyện viên, cố vấn, nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp các dịch vụ, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Nhóm các nhiệm vụ xây dựng nền tảng, thúc đẩy sự liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST: Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước; tham gia và kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.
- Nhóm các nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST: i) đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm; cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và khuyến khích đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội; để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ii) xây dựng cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
b. Các quy định hướng dẫn (Tài liệu kèm theo Công văn này)
- Hướng dẫn quản lý Đề án theo Quyết định số 3362/QĐ-BKHCN ngày 7/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
- Hướng dẫn quản lý tài chính Đề án theo Công văn số 5321/BTC-HCSN của Bộ Tài chính gửi Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 24/4/2017 về việc triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Trong năm 2017, chỉ một số nội dung chi đã được thống nhất với Bộ Tài chính cho các nhiệm vụ triển khai Đề án. Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang triển khai xây dựng Thông tư quản lý và phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quản lý tài chính cho Đề án 844, dự kiến ban hành trong năm 2017).
3. Hướng dẫn cụ thể triển khai một số hoạt động thuộc Đề án
a) Các nhóm hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, cung cấp dịch vụ
- Chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn địa phương cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST (cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp ĐMST; nhà đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; các cán bộ quản lý, vận hành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; các cán bộ thuộc khối cơ quan quản lý hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).
- Khuyến khích việc liên kết các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST triển khai các nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực, cung cấp dịch vụ để tận dụng tối đa các nguồn lực và tăng mức độ lan tỏa của các hoạt động thuộc Đề án.
- Dựa vào nguồn lực, nhu cầu thực tế của địa phương, tổ chức các loại hình đào tạo, nâng cao năng lực khác nhau. Việc lựa chọn mô hình đào tạo, nâng cao năng lực, cung cấp dịch vụ và lựa chọn chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tham khảo nguồn từ một số dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang triển khai như: Dự án Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2), Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon (VSV),...
b) Hoạt động tổ chức các sự kiện khởi nghiệp ĐMST
- Các địa phương chủ động lựa chọn các hoạt động để triển khai phù hợp với tình hình thực tế và thế mạnh của địa phương.
- Định kỳ tập hợp, lựa chọn các cá nhân, nhóm cá nhân, dự án có ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nổi bật tại địa phương (là cá nhân, doanh nghiệp đã được đánh giá bởi các tổ chức ươm tạo, hỗ trợ, thúc đẩy kinh doanh có uy tín/đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST có uy tín/đã nhận được đầu tư, ...) để giới thiệu tham gia sự kiện khởi nghiệp ĐMST cấp vùng, liên vùng và cấp quốc gia.
4. Phối hợp triển khai Đề án 844