BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18195/BTC-TCHQ
V/v hướng dẫn xử lý vướng mắc Thông tư số
38/2015/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 12 năm 2015
|
Kính gửi: Các
đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được một
số phản ánh vướng mắc từ Hải quan địa phương, cộng đồng doanh nghiệp khi thực
hiện Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục
hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản
lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Để xử lý vướng mắc, Bộ Tài chính
hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:
1. Về khai hải quan
(Điều 18):
Đối với hàng hóa nhập khẩu là phương tiện vận tải
đường biển thì người khai hải quan có thể lựa chọn thực hiện thủ tục nhập cảnh
phương tiện vận tải trước, thực hiện thủ tục nhập khẩu sau hoặc thực hiện thủ tục
nhập cảnh phương tiện vận tải đồng thời với thủ tục nhập khẩu.
2. Về khai bổ sung hồ sơ hải
quan (Khoản 1 Điều 20):
Người khai hải quan được thực hiện khai bổ sung
trong các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm d Điều 20
Thông tư 38/2015/TT-BTC, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến
giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y
tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
3. Khai bổ sung số hiệu
container khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu ( Điểm
a.5 Khoản 3 Điều 20):
Trường hợp khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu
chưa có số hiệu container hoặc số hiệu container có thay đổi so với khi đăng ký
tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu mà người khai hải quan nộp Bản kê số hiệu
container theo mẫu 31/BKCT/GSQL Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC cho công
chức hải quan giám sát cửa khẩu để thực hiện việc cập nhật số container vào Hệ
thống, công chức hải quan giám sát thực hiện kiểm tra Bản kê số hiệu container
và chỉ chấp nhận cập nhật vào Hệ thống trong các trường hợp cụ thể như sau:
a) Trường hợp chưa có số container trên tờ khai xuất
khẩu đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan: Người khai hải quan phải nộp
thêm văn bản xác nhận hàng xuất khẩu được đóng vào container tại cửa khẩu xuất
trong đó nêu cụ thể lý do hàng hóa phải đóng tại cửa khẩu xuất. Cơ quan Hải
quan căn cứ vào tình hình thực tế xác minh với các hãng tàu việc cấp vỏ
container rỗng theo tiêu chí quản lý rủi ro để chấp nhận cập nhật thông tin số
container vào Hệ thống;
b) Trường hợp số container thực tế có thay đổi so với
tờ khai hải quan đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan: người khai hải
quan: người khai hải quan xuất trình chứng từ xác minh lý do phải thay đổi số
hiệu container (Phiếu cấp container rỗng, Phiếu cấp lại container rỗng nếu phải
đổi container...). Cơ quan Hải quan căn cứ vào tình hình thực tế xác minh với
các hãng tàu việc cấp vỏ container rỗng theo tiêu chí quản lý rủi ro để chấp nhận
cập nhật thông tin số container vào Hệ thống.
Các trường hợp khác, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất
hướng dẫn người khai hải quan thực hiện thủ tục khai bổ sung tờ khai tại Chi cục
Hải quan nơi đăng ký tờ khai trước khi thực hiện thủ tục xác nhận hàng qua khu
vực giám sát.
4. Về đưa hàng về bảo quản
(Điều 32):
Khi có yêu cầu đưa hàng về bảo quản, người khai hải
quan nộp những chứng từ sau cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai:
a) Văn bản đề nghị theo mẫu 09/BQHH/GSQL Phụ lục V
Thông tư 38/2015/TT-BTC trong đó có nêu cụ thể số tờ khai và địa điểm đưa hàng
về bảo quản tại Điểm 2 mẫu này (“2. Đề nghị cơ quan hải quan giải quyết cho
doanh nghiệp được mang hàng thuộc tờ khai hải quan số... về bảo quản tại:...”).
b) 01 bản chụp giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành,
xuất trình bản chính để cơ quan Hải quan đối chiếu.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai
căn cứ các chứng từ nêu trên để xem xét quyết định cho đưa hàng về bảo quản
theo quy định tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
5. Về quy định về vận chuyển
hàng hóa chịu sự giám sát hải quan (Điều 50):
Khi thực hiện khai báo hàng hóa vận chuyển chịu sự
giám sát hải quan theo quy định tại Điều 50, Điều 51 Thông tư
38/2015/TT-BTC, chủ địa điểm thu gom hàng lẻ, chủ kho hàng không kéo dài phải
là đại lý hải quan theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định
08/2015/NĐ-CP.
6. Về địa điểm làm thủ tục hải
quan (Điều 58):
Đối với trường hợp doanh nghiệp chế xuất thuê doanh
nghiệp nội địa gia công, doanh nghiệp nội địa được lựa chọn thực hiện thủ tục hải
quan tại Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất hoặc địa Điểm khác theo
quy định tại Điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
7. Về báo cáo quyết toán theo
năm tài chính đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và DNCX (Điều 60):
Để doanh nghiệp có thể có số liệu báo cáo chính xác
cho cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 60 Thông tư số
38/2015/TT-BTC, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh
nghiệp thực hiện như sau:
a) Số liệu trên bảng báo cáo quyết toán nguyên liệu,
vật tư, thành phẩm sản xuất từ nguồn nhập khẩu: được lấy theo số liệu kế toán của
doanh nghiệp;
b) Thời điểm để tính ngày chốt tồn nguyên vật liệu:
là ngày kết thúc năm tài chính (ví dụ năm tài chính của doanh nghiệp bắt đầu từ
01/01/2015 - 31/12/2015 thì ngày chốt tồn nguyên vật liệu là ngày 31/12/2015);
c) Trị giá ghi trên bảng báo cáo quyết toán: là tổng
trị giá của nguyên vật liệu nhập khẩu, thành phẩm được sản xuất từ nguồn nhập
khẩu phát sinh trong năm tài chính (ví dụ trong năm tài chính từ 01/01/2015 -
31/12/2015, doanh nghiệp phát sinh 1000 tờ khai nhập khẩu nguyên vật liệu để sản
xuất hàng xuất khẩu thì ghi tổng trị giá của nguyên vật liệu nhập khẩu được ghi
nhận trên sổ sách kế toán vào cột số (5) trên bảng báo cáo quyết toán nguyên liệu,
vật tư, thành phẩm sản xuất từ nguồn nhập khẩu) theo mẫu số 15/BCQT/GSQL.
8. Về thủ tục hải quan, kiểm
tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài;
hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung
một số nội dung sau (Điều 64):
a) Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công nếu
tổ chức, cá nhân có nhu cầu xử lý nguyên vật liệu dư thừa, máy móc, thiết bị
theo hình thức xuất trả, chuyển sang hợp đồng khác, bán, biếu, tặng, tiêu hủy tại
Việt Nam thì phải có văn bản thông báo với cơ quan hải quan trước khi thực hiện;
thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 64
Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
b) Về quy định 3% nguyên liệu, vật tư dư thừa tại Khoản 5 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC thực hiện cụ thể như
sau:
Phần nguyên liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp
đồng không vượt quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu của hợp đồng
gia công này tính theo từng chủng loại nguyên liệu, vật tư của hợp đồng gia
công thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục
đích sử dụng nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định
pháp luật về thuế.
Khi báo cáo phương án giải quyết nguyên liệu, vật
tư dư thừa theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Thông tư số
38/2015/TT-BTC theo mẫu số 17/XL-HĐGC/GSQL, tổ chức, cá nhân nêu rõ phần
nguyên liệu, vật tư dư thừa của hợp đồng trong giới hạn 3% của tổng lượng
nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng tính theo từng chủng loại nguyên liệu,
vật tư khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục
đích sử dụng.
c) Khi phát sinh việc thanh toán tiền gia công bằng
sản phẩm gia công thì thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều
86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP
ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn mác hàng hóa;
d) Việc tiêu hủy nguyên liệu, phế
liệu, phế phẩm của DNCX thực hiện theo quy định tại Điểm d
Khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
e) Liên quan đến quy định pháp
luật về bảo vệ môi trường khi tiêu hủy, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ
theo đúng quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày
24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải về phế liệu, cụ thể:
- Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu,
phế phẩm là chất thải nguy hại hoặc có chứa các thành phần nguy hại thì thực hiện
theo các quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định số
38/2015/NĐ-CP và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên
và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
- Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu,
phế phẩm không phải là chất thải nguy hại thì thực hiện theo quy định về quản
lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Chương IV Nghị định số
38/2015/NĐ-CP.
f) Về việc giám sát tiêu hủy thực hiện theo quy định
tại Điểm d.2 Khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Riêng việc tiêu hủy máy móc, thiết bị, nguyên liệu đối với các loại hình gia
công và doanh nghiệp chế xuất cơ quan hải quan giám sát trực tiếp (trừ đối với
trường hợp doanh nghiệp ưu tiên).
9. Liên quan đến thủ tục thanh
lý hàng hóa là máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển tạo tài sản cố định của
DNCX (Điều 79):
Về thủ tục thanh lý tại thị trường Việt Nam, doanh
nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện theo quy định tại Điều
79 hoặc Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (xuất nhập khẩu tại chỗ), cụ thể:
a) Trường hợp thực hiện theo Điều
79 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì khi bán vào nội địa DNCX liên hệ với cơ
quan thuế nội địa để cơ quan thuế nội địa cấp 01 hóa đơn lẻ GTGT (theo quy định
tại Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính).
DNCX sử dụng hóa đơn GTGT lẻ để xuất bán máy móc, thiết bị, phương tiện vận
chuyển được xác định bằng (=) số thuế GTGT ghi trên hóa đơn bán lẻ thanh lý máy
móc, thiết bị phương tiện vận chuyển trừ (-) số thuế GTGT nộp ở khâu nhập khẩu
khi chuyển đổi mục đích sử dụng;
b) Trường hợp thực hiện theo Điều
86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì doanh nghiệp phải có văn bản nêu rõ lý do
thanh lý, hình thức thanh lý, biện pháp thanh lý, lượng hàng cần thanh lý gửi
Chi cục Hải quan quản lý DNCX và đăng ký tờ khai theo loại hình tương ứng,
doanh nghiệp nội địa sẽ làm thủ tục nhập khẩu, nộp các loại thuế theo quy định.
Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản
lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý
theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu;
hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý
bằng văn bản.
10. Về quản lý đối với hoạt động
đặt gia công tại nước ngoài, ngoài các nội dung quy định tại Mục 3 Chương III Thông tư số 38/2015/TT-BTC
Bộ Tài chính hướng dẫn thống nhất thực hiện như
sau:
a) Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặt gia công
tại nước ngoài:
a.1) Trước khi tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động
đặt gia công tại nước ngoài phải thông báo hợp đồng gia công với Chi cục Hải
quan nơi dự kiến làm thủ tục xuất khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị
và nhập khẩu sản phẩm (không phải thông báo cơ sở sản xuất). Nội dung hợp đồng đặt
gia công phải có đầy đủ các thông tin theo quy định Điều 29 Nghị
định số 187/2013/NĐ-CP;
a.2) Thực hiện việc báo cáo quyết toán tình hình sử
dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị ngay sau khi kết thúc hợp đồng gia
công. Trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng giữa các năm tài chính thì chậm
nhất là 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính, tổ chức, cá nhân nộp báo cáo
quyết toán tình hình phát sinh trong năm tài chính với các tiêu chí sau:
- Lượng nguyên liệu, vật tư xuất khẩu (thống kê
theo loại nguyên liệu, vật tư và kèm theo số tờ khai xuất khẩu);
- Lượng nguyên liệu, vật tư đã xuất khẩu nhưng phải
thanh lý ở nước ngoài (bao gồm: tiêu hủy, bán);
- Lượng nguyên liệu, vật tư còn tồn tại bên nhận
gia công;
- Lượng sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu (kèm
theo số tờ khai nhập khẩu);
- Lượng sản phẩm gia công hoàn chỉnh bán tại nước
ngoài (kèm theo số tờ khai xuất khẩu);
b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
b.1) Tiếp nhận thông báo hợp đồng đặt gia công, báo
cáo quyết toán và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Mục
4 Chương III Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
b.2) Thực hiện việc theo dõi, quản lý và kiểm tra
tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, kiểm tra báo cáo quyết toán đối với hoạt
động đặt gia công tại nước ngoài như đối với hoạt động nhận gia công cho thương
nhân nước ngoài.
11. Về quan hệ mua bán giữa
DNCX và nội địa đối với hàng hóa không hưởng ưu đãi của DNCX theo quy định tại
Khoản 2 Điều 74 Thông tư số 38/2015/TT-BTC
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:
a) Hàng hóa DNCX nhập khẩu từ nước ngoài đã nộp đầy
đủ các loại thuế và đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu
nhập khẩu theo quy định như doanh nghiệp không hưởng chế độ, chính sách DNCX
thì khi phát sinh trao đổi, mua bán hàng hóa này với doanh nghiệp nội địa không
phải làm thủ tục hải quan.
b) Hàng hóa DNCX mua từ nội địa chấp nhận nộp đầy đủ
các loại thuế theo quy định như doanh nghiệp không hưởng chế độ, chính sách
DNCX thì hoạt động mua bán này không phải thực hiện thủ tục hải quan”.
12. Về việc sử dụng hóa đơn
khi mua, bán hàng hóa theo quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của DNCX
(Điều 77)
Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 3
Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, Điều 77 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài
chính, Điều 6 Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 của
Bộ Công Thương, đối với hoạt động mua, bán hàng hóa theo quyền xuất khẩu, quyền
nhập khẩu, quyền phân phối của DNCX, Bộ Tài chính hướng dẫn việc kê khai, sử dụng
hóa đơn như sau:
a) DNCX phải hạch toán riêng giao dịch mua hàng từ
nội địa để xuất khẩu;
b) DNCX thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế nội
địa để kê khai nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu theo
quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu;
c) Khi DNCX mua hàng hóa từ doanh nghiệp nội địa
thì doanh nghiệp nội địa thực xuất hóa đơn GTGT cho DNCX, trên hóa đơn ghi rõ
thuế suất thuế GTGT (5% hoặc 10%);
d) Khi DNCX xuất khẩu thì DNCX thực hiện thủ tục
như các doanh nghiệp nội địa khác có hàng hóa xuất khẩu và được áp dụng thuế suất
thuế GTGT 0%, được hoàn thuế GTGT đầu vào nếu đảm bảo đủ điều kiện quy định.
13. Về việc thanh lý, thay đổi
mục đích sử dụng của hàng nhập khẩu miễn thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài (Điều 85)
Để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện thủ tục thanh lý,
thay đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều
85 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thống nhất
như sau:
Đối với trường hợp thanh lý, thay đổi mục đích sử dụng
đối với hàng hóa nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu tính từ thời điểm nhập khẩu đến
thời điểm thanh lý, thay đổi mục đích quá thời hạn lưu giữ hồ sơ hải quan (05
năm) và trường hợp thanh lý, thay đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu
miễn thuế là công cụ, dụng cụ (mà quá trình theo dõi, quản lý tại doanh nghiệp
không theo số tờ khai nhập khẩu) trong thời hạn lưu giữ hồ sơ hải quan thì
không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp số tờ khai khi thanh lý, thay đổi mục đích
sử dụng.
14. Về địa điểm làm thủ tục hải
quan đối với hoạt động tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập hàng hóa để bảo
hành, sửa chữa của tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa
khẩu (Điều 90)
Hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để
bảo hành, sửa chữa của tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh
tế cửa khẩu được làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lý khu phi thuế quan.
15. Về quản lý hải quan đối với
hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan (Điều 91):
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thủ tục thay đổi cửa
khẩu xuất hoặc đưa trở lại kho ngoại quan đối với trường hợp hàng hóa đưa ra cửa
khẩu xuất nhưng không xuất được hoặc chỉ xuất được một phần như sau:
a) Hồ sơ hải quan gồm:
a.1) Tờ khai vận chuyển độc lập;
a.2) Văn bản đề nghị được đưa hàng về kho ngoại quan
để lưu giữ chờ xuất khẩu, nêu rõ tên, địa chỉ kho ngoại quan và thời gian dự kiến
lưu giữ (tổng thời gian lưu giữ trong lãnh thổ Việt Nam không được vượt quá thời
gian quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan);
a.3) Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển (khi
xuất kho ngoại quan đưa ra cửa khẩu xuất).
b) Thủ tục hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và các công văn hướng
dẫn về tờ khai vận chuyển độc lập của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất và Chi cục
Hải quan quản lý kho ngoại quan thực hiện thêm những nội dung sau:
b.1) Trường hợp lô hàng chưa đưa vào khu vực giám
sát hải quan tại cửa khẩu xuất: Trên cơ sở văn bản đề nghị của doanh nghiệp được
gửi hàng trở lại kho ngoại quan, Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan kiểm
tra tình trạng niêm phong, hồ sơ lô hàng để làm thủ tục nhập kho ngoại quan
theo quy định. Đồng thời có văn bản thông báo hàng đã nhập trở lại kho ngoại
quan với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất để làm thủ tục thanh khoản tờ khai vận
chuyển độc lập trên hệ thống thông qua nghiệp vụ BIA;
b.2) Trường hợp lô hàng đã
đưa vào khu vực giám sát hải quan nhưng doanh nghiệp đề nghị đưa về gửi kho ngoại
quan toàn bộ lô hàng: Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra, đối chiếu lượng
hàng đã đến cửa khẩu xuất, đồng thời yêu cầu người khai hải quan đăng ký tờ
khai vận chuyển độc lập mới để vận chuyển hàng hóa đưa về gửi cho ngoại quan.
Sau khi phê duyệt tờ khai vận chuyển độc lập mới, thực hiện cập nhật thông tin
hàng hóa vận chuyển đến cho toàn bộ lô hàng ban đầu thông qua nghiệp vụ BIA.
Lưu ý: khi thực hiện nghiệp vụ BIA, ghi nhận cụ thể nội dung cho phép đưa hàng
hóa về gửi kho ngoại quan và số tờ khai vận chuyển độc lập mới tương ứng tại ô
“Ghi chú” (dành cho hải quan);
b.3) Trường hợp lô hàng đã đưa vào khu vực giám sát
hải quan, doanh nghiệp đề nghị xuất khẩu một phần, đưa về gửi kho ngoại quan một
phần của lô hàng: Trên cơ sở văn bản đề nghị của doanh nghiệp được gửi hàng trở
lại kho ngoại quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra, giám sát lượng
hàng xuất khẩu qua cửa khẩu xuất, đồng thời yêu cầu người khai hải quan đăng ký
tờ khai vận chuyển độc lập mới đối với lượng hàng còn lại để vận chuyển hàng
hóa đưa về gửi kho ngoại quan. Sau khi phê duyệt tờ khai vận chuyển độc lập mới,
thực hiện cập nhật thông tin hàng hóa vận chuyển đến cho toàn bộ lô hàng ban đầu
thông qua nghiệp vụ BIA. Lưu ý: khi thực hiện nghiệp vụ BIA, ghi nhận cụ thể lượng
hàng đã xuất khẩu tại cửa khẩu xuất, lượng hàng gửi lại kho ngoại quan và số tờ
khai vận chuyển độc lập mới tương ứng tại ô “Ghi chú” (dành cho hải quan).
16. Vướng mắc liên quan đến hoạt
động kho bảo thuế (Điều 92)
a) Về tiêu chí “không vi phạm pháp luật hải
quan và pháp luật thuế” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều
92 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:
a.1) Có hoạt động xuất khẩu ít nhất 02 năm;
a.2) Trong 02 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ
đề nghị thành lập kho bảo thuế không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế,
hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:
- Hành vi trốn thuế; gian lận thuế; buôn lậu và vận
chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- Hành vi vi phạm hành chính có hình thức, mức xử
phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương
đương.
b) Về việc chấm dứt hoạt động của các kho bảo thuế
đã thành lập:
b.1) Đối với các kho bảo thuế đã thành lập trước thời
điểm có hiệu lực của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP hiện không đáp ứng điều kiện
theo quy định tại Điều 92 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì được
tiếp tục hoạt động đến ngày 30/6/2016;
b.2) Trường hợp chủ kho bảo thuế đề nghị chấm dứt
hoạt động của kho bảo thuế hoặc quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định
thành lập nhưng doanh nghiệp không đưa vào hoạt động mà không có lý do chính
đáng hoặc trong 01 năm doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử
lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm
quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh,
thành phố quản lý kho bảo thuế có văn bản báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan để chấm dứt hoạt động kho bảo thuế.
c) Để quản lý đối với nguyên liệu, vật tư lưu giữ
trong kho bảo thuế quá thời hạn 12 tháng từ khi hàng gửi kho hoặc quá chu kỳ sản
xuất đã được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý gia hạn chưa đưa vào sản
xuất và xuất khẩu, Bộ hướng dẫn thực hiện như sau:
c.1) Đối với phần nguyên liệu, vật tư lưu giữ trong
kho bảo thuế quá thời hạn 12 tháng khi hàng gửi kho hoặc quá chu kỳ sản xuất đã
được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý gia hạn thì sẽ nộp phải nộp theo
quy định Số lượng nguyên liệu đã nộp thuế nhưng sau đó được đưa vào sản xuất và
xuất khẩu đã được xét hoàn thuế theo loại hình nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất
hàng xuất khẩu theo hướng dẫn tại Điều 119 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
c.2) Đối với nguyên liệu, vật tư lưu giữ trong kho
bảo thuế đã sản xuất sản phẩm trong thời hạn 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất
đã được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý gia hạn thì chủ kho bảo thuế có
trách nhiệm thực hiện thủ tục không thu như đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu
để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 128 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC.
17. Về thủ tục hải quan đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan một lần (Điều 93)
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu được đăng ký tờ khai trước, thực hiện giao nhận sau được thực hiện theo
quy định tại Khoản 2 Điều 93 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Theo đó, việc kê khai, tính thuế thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai trên Hệ
thống, người khai hải quan nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật và được sử dụng
tờ khai khai trước đã thông quan để giao nhận hàng hóa từng lần theo thực tế xuất
khẩu, nhập khẩu.
18. Về thủ tục nộp, tiếp nhận
và xử lý hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế (Điều 129)
a) Đối với trường hợp tờ khai đăng ký trước ngày
01/4/2015 nhưng nộp hồ sơ hoàn thuế sau thời điểm này:
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời phù hợp
với quy định tại Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
số 17/2008/QH12 ngày 3/6/2008; Khoản 1 Điều 149 Thông tư số
38/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
Trường hợp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế của các
tờ khai nhập khẩu và xuất khẩu phát sinh trước ngày Thông tư 38 có hiệu lực
(01/4/2015), nếu đã nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế theo quy định tại Thông
tư số 128/2013/TT-BTC thì tiếp tục giải quyết thủ tục hoàn thuế, không thu thuế
theo quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC, nếu chưa nộp hồ sơ hoàn thuế, không
thu thuế thì hồ sơ, thủ tục hoàn thuế, không thu thuế thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Trường hợp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế của các
tờ khai nhập khẩu và xuất khẩu phát sinh từ ngày Thông tư 38 có hiệu lực
(01/4/2015) thì hồ sơ, thủ tục hoàn thuế, không thu thuế thực hiện theo quy định
tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
b) Xử lý thuế GTGT đối với trường
hợp không xuất khẩu hàng hóa trong thời hạn nộp thuế (bao gồm cả trường hợp
hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu có tờ khai
đăng ký trước ngày 01/4/2015 nhưng sau ngày 01/4/2015 mới hết thời hạn nộp thuế
275 ngày hoặc hết thời gian gia hạn nộp thuế nêu trên):
Để áp dụng nguyên tắc người nộp thuế tự kê khai, tự
tính thuế, nộp thuế nhưng đảm bảo công tác quản lý hải quan, đối với vướng mắc
quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 129 Thông tư số
38/2015/TT-BTC, thực hiện như sau:
b.1) Quá thời hạn nộp thuế 275 ngày hoặc trường hợp
được gia hạn thời hạn nộp thuế theo quy định tại Điểm đ, Khoản
2 Điều 135 Thông tư số 38/2015/TT-BTC đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu
để sản xuất hàng xuất khẩu còn tồn kho chưa đưa vào sản xuất hoặc đã sản xuất sản
phẩm nhưng chưa xuất khẩu thì người nộp thuế chưa phải kê khai, nộp thuế GTGT đối
với số nguyên vật liệu còn tồn kho.
Người nộp thuế phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan
nơi làm thủ tục nhập khẩu nêu rõ số lượng nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho,
thuộc các tờ khai nhập khẩu nào và lý do tồn kho nguyên vật liệu, thành phẩm.
b.2) Trên cơ sở kê khai của người nộp thuế, cơ quan
hải quan thực hiện kiểm tra tình hình tồn kho nguyên vật liệu tại trụ sở người
nộp thuế khi có dấu hiệu nghi ngờ, thông tin vi phạm về việc sử dụng nguyên vật
liệu không đúng mục đích hoặc đã tiêu thụ nội địa.
Cách thức kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Trường hợp qua kết quả kiểm
tra phát hiện người nộp thuế đã thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội
địa thì xử lý theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 21 Thông
tư số 38/2015/TT-BTC.
19. Về nội dung kiểm tra hoàn
thuế tại doanh nghiệp (Điều 130)
Để việc kiểm tra hoàn thuế tại doanh nghiệp được
minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra tại trụ sở
doanh nghiệp và phân loại được trường hợp kiểm tra, Bộ Tài chính yêu cầu khi thực
hiện kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau, cơ quan hải quan thực hiện
tuần tự các bước công việc theo trình tự dưới đây và trên cơ sở nội dung kiểm
tra theo quy định, dừng lại ở bước xác định được kết quả kiểm tra cho thấy hàng
đã thực xuất, thực nhập và đáp ứng quy định được hoàn thuế, không thu thuế thì
ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế.
Trình tự kiểm tra như sau:
a) Kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ hoàn thuế, không
thu thuế, đối chiếu tính thống nhất, hợp lệ của hồ sơ, số tiền thuế đề nghị
hoàn với thông tin trên Hệ thống của cơ quan hải quan về thuế và hàng hóa thực
tế xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán, phiếu nhập xuất
kho, chứng từ thanh toán tiền hàng;
b) Kiểm tra về việc hạch toán kế toán; định mức
tiêu hao nguyên liệu, vật tư; thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị;
c) Kiểm tra xác minh đối chiếu các giao dịch kinh
doanh với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong trường hợp qua kiểm tra
phát hiện vụ việc có tính chất phức tạp, cần tiến hành kiểm tra thêm;
d) Trường hợp qua kiểm tra, xác định không thuộc đối
tượng được hoàn thuế, không thu thuế thì cơ quan hải quan thông báo cho người nộp
thuế biết lý do không thanh khoản hoàn thuế, không thu thuế;
e) Trường hợp qua kiểm tra xác định thuộc đối tượng
hoàn thuế, không thu thuế, kê khai của người nộp thuế là chính xác thì cơ quan
hải quan ban hành quyết định hoàn thuế, không thu thuế theo kê khai của người nộp
thuế chậm nhất trong thời hạn bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn
thuế, không thu thuế.
20. Về việc thực hiện
Điều 147 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Điều
Khoản chuyển tiếp)
Để quản lý chặt chẽ đối với những hợp đồng gia công
đã được thông báo cho cơ quan hải quan trước thời điểm Thông tư số
38/2015/TT-BTC có hiệu lực và theo quy định tại Điều 25 Thông
tư số 13/2014/TT-BTC đã phải thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công trước
ngày 01/04/2014 thì vẫn phải thực hiện thanh khoản theo quy định tại Thông tư số
13/2014/TT-BTC ngày 24/01/2014 của Bộ Tài chính.
21. Vướng mắc về việc tái nhập
hàng hóa đã xuất khẩu để tái chế nhưng không tái xuất được của DNCX:
Đối với sản phẩm sản xuất của DNCX đã xuất khẩu
phát sinh việc tái nhập để tái chế nhưng không tái xuất được thì DNCX làm thủ tục
hải quan để tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy như đối với hàng gia công theo quy định
tại Điểm a Khoản 7 Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Bộ Tài chính hướng dẫn để Cục Hải quan tỉnh, thành
phố biết, thực hiện. Trong khi thực hiện có vướng mắc phát sinh thì báo cáo để
được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế (t/hiện);
- Vụ Pháp chế - BTC (t/hiện);
- Lưu: VT, TCHQ (63b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|