Công văn 1764/NHNN-TD năm 2024 đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 1764/NHNN-TD
Ngày ban hành 08/03/2024
Ngày có hiệu lực 08/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đào Minh Tú
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1764/NHNN-TD
V/v đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các ngân hàng thương mại,
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới; để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề nghị các ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với các ngân hàng thương mại:

- Chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo kịp thời, hỗ trợ tính mùa vụ trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.

- Tiếp tục đẩy manh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; cho vay phục vụ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời (nếu có); phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam thông tin các chính sách tín dụng cùa ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp là hội viên để biết và tham gia khi có nhu cầu.

- Báo cáo NHNN, các Bộ, ngành có liên quan về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có); đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL:

- Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn: (i) Chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024; (ii) Không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay; (iii) Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng; (iv) Rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo kịp thời, hỗ trợ tính mùa vụ trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo; (v) Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; (vi) Chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; cho vay phục vụ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn tăng cường triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa, gạo trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

- Bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay ngành lúa, gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai (nếu có).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như đề gửi;
- Thống đốc NHNN (để b/c);
- PTĐ Đào Minh Tú;
- Văn phòng Chính phủ (để biết);
- Vụ Truyền thông (để phối hợp);
- Bộ NN&PTNT (để phối hợp);
- Chủ tịch UBND tỉnh, TP ĐBSCL (để biết);
- NHNN chi nhánh tỉnh, TP còn lại (để biết);
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam (để biết);
- Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (để biết);
- Lưu VP, Vụ TDCNKT, NTTrang(3).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú