Công văn 1623/GSQL-GQ2 năm 2016 vướng mắc đối với hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
Số hiệu | 1623/GSQL-GQ2 |
Ngày ban hành | 21/11/2016 |
Ngày có hiệu lực | 21/11/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Giám sát quản lý về hải quan |
Người ký | Vũ Lê Quân |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
TỔNG
CỤC HẢI QUAN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1623/GSQL-GQ2 |
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2016 |
Kính
gửi: Công ty TNHH Mueller Asia
(Địa chỉ: Km 16, Quốc lộ 2A, Phúc
Thắng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc)
Cục Giám sát quản lý về Hải quan nhận được công văn 01HQ16/MU-ASIA ngày 16/6/2016, công văn số 02HQ/MU-ASIA ngày 9/9/2016, công văn số 03HQ16/MU-ASIA ngày 12/10/2016 và công văn số 04HQ16/MU-ASIA ngày 02/11/2016 của Công ty TNHH Mueller Asia đề nghị được mở tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ và hướng dẫn về hạch toán tài sản cố định đối với hoạt động mua, bán hàng tại Việt Nam, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:
Theo trình bày tại công văn và hồ sơ gửi kèm thì Công ty Mueller B.V có trụ sở tại Hà Lan ký hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Hoàng Lâm, Công ty TNHH Hiếu Nghĩa Thịnh từ năm 2012. Hàng hóa là 29 bộ bồn làm lạnh và thiết bị đi kèm đã được Công ty TNHH Hoàng Lâm, Công ty TNHH Hiếu Nghĩa Thịnh giao và lắp đặt tại “Điểm làm lạnh sữa tươi”, “Trại bò sữa” của Công ty Friesland Campina Việt Nam (FCV) tại Việt Nam theo chỉ định của Công ty Mueller BV, quá trình mua bán Công ty TNHH Hoàng Lâm, Công ty TNHH Hiếu Nghĩa Thịnh có xuất hóa đơn giá trị gia tăng 10% và đã được Mueller B.V thanh toán. Việc lắp đặt hàng hóa tại các điểm trên để FCV sử dụng trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Mueller BV và FCV; biên bản ghi nhớ không thể hiện việc nhận hàng từ người giao hàng tại Việt Nam. Sau khi bàn giao hàng hóa, FCV được sử dụng 29 bộ bồn làm lạnh kèm thiết bị mà không phải thanh toán bất cứ khoản phí nào với Mueller BV.
Đến ngày 30/12/2013, Công ty Mueller BV ký hợp đồng mua tài sản với Công ty TNHH Mueler Asia để bán 29 bộ bồn làm lạnh và thiết bị đi kèm nêu trên. Sau đó ngày 02/01/2014, Công ty TNHH Mueller Asian ký hợp đồng cho FCV thuê 29 bồn làm lạnh và thiết bị đi kèm này. Tuy nhiên, thực tế số hàng hóa này đã được lắp đặt, bàn giao cho FCV theo các hợp đồng mua bán giữa Công ty Mueller BV với Công ty TNHH Hoàng Lâm, Công ty TNHH Hiếu Nghĩa Thịnh từ năm 2012.
Vụ việc nêu trên, căn cứ quy định về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ thì:
“Căn cứ để xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hàng hóa phải có hai hợp đồng riêng biệt:
a) Hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hóa được giao cho người nhận hàng tại Việt Nam;
b) Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hóa được nhận từ người giao hàng tại Việt Nam.”
Như vậy, theo vụ việc Công ty trình bày và hồ sơ gửi kèm đối chiếu với quy định tại khoản Điều 15 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP dẫn trên thì hoạt động mua bán giữa Công ty Mueller BV với Công ty TNHH Hoàng Lâm, Công ty TNHH Hiếu Nghĩa Thịnh (có hóa đơn giá trị gia tăng 10%) và giữa Công ty Mueller BV với Công ty TNHH Mueller Asia chưa đủ cơ sở để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nhập tại chỗ.
Do đó, đối với việc mua bán và để được hạch toán 29 hệ thống bồn làm lạnh và thiết bị đi kèm là tài sản cố định của Công ty TNHH Mueller Asia khi mua từ Công ty Mueller BV như Công ty trình bày, đề nghị Công ty thực hiện theo quy định liên quan về mua bán và hạch toán tài sản cố định có liên quan. Trường hợp còn phát sinh vướng mắc thì liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hướng dẫn.
Cục Giám sát quản lý trả lời để Công ty TNHH Mueller Asia được biết.
|
KT.
CỤC TRƯỞNG |