Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 1455/BTTTT-ƯDCNTT năm 2013 về lựa chọn hình thức xác thực điện tử người sử dụng dịch vụ công trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 1455/BTTTT-ƯDCNTT
Ngày ban hành 21/05/2013
Ngày có hiệu lực 21/05/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Thành Phúc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1455/BTTTT-ƯDCNTT
V/v lựa chọn hình thức xác thực điện tử người sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2013

 

Kính gửi:

- Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Xác thực điện tử là một công nghệ đảm bảo an toàn thông tin cho giao dịch điện tử cần thiết để triển khai Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2011 về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và Quyết định 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/8/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Thực hiện Chỉ thị số 897/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2011 về việc tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm phát triển hạ tầng công nghệ cho các hoạt động giao dịch điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hướng dẫn lựa chọn hình thức xác thực điện tử người sử dụng dịch vụ công trực tuyến gửi kèm công văn này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có ý kiến đóng góp hoặc kiến nghị, đề nghị gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Ứng dụng CNTT), 18 Nguyễn Du, Hà Nội.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, ƯDCNTT.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC ỨNG DỤNG

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN




Nguyễn Thành Phúc

 

HƯỚNG DẪN

LỰA CHỌN CÁC HÌNH THỨC XÁC THỰC ĐIỆN TỬ NGƯỜI SỬ DỤNG DỊCH VỤ CỔNG TRỰC TUYẾN
(Ban hành kèm theo công văn số 1455/BTTTT-ƯDCNTT ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Hướng dẫn này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong việc lựa chọn các hình thức xác thực điện tử người sử dụng dịch vụ một cách phù hợp với yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin của từng loại dịch vụ, qua đó giúp tiết kiệm thời gian triển khai và nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án triển khai dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu các rủi ro đối với các hệ thống cung cấp dịch vụ và tạo dựng niềm tin cho người sử dụng.

1. Các khái niệm cơ bản

Trong công văn này, các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

a. Dịch vụ công trực tuyến được hiểu theo định nghĩa tại Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

b. Người sử dụng dịch vụ công trực tuyến là các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng hoặc các đại lý được ủy quyền để giúp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

c. Xác thực điện tử

Xác thực điện tử (người sử dụng) là quy trình thiết lập sự tin tưởng đối với danh tính người dùng hiện diện điện tử trước một hệ thống thông tin.

Xác thực điện tử đa yếu tố là phương thức xác thực điện tử sử dụng kết hợp của hai hay nhiều yếu tố xác thực độc lập, đem lại phương án đảm bảo an toàn thông tin cao hơn.

d. Các mức đảm bảo độ tin cậy

Mức đảm bảo độ tin cậy (tiếng Anh là Assurance Level, sau đây gọi tắt là AS) của người sử dụng dịch vụ là mức độ hệ thống cung cấp dịch vụ yêu cầu đối với tính xác thực của người sử dụng dịch vụ. Mỗi dịch vụ công trực tuyến có thể yêu cầu mức AS khác nhau.

Xác minh thông tin đăng ký là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến mức AS. Có 04 mức AS dành cho người sử dụng dịch vụ với hình thức xác minh thông tin dưới đây:

- Mức AS-1: Mức đảm bảo độ tin cậy thấp. Không yêu cầu xác minh thông tin đăng ký của người sử dụng dịch vụ.

- Mức AS-2: Mức đảm bảo độ tin cậy trung bình. Người sử dụng dịch vụ được phép đăng ký tài khoản qua mạng và tự cung cấp một số thông tin cơ bản như số chứng minh thư nhân dân, họ và tên, năm sinh,... Thông tin này không cần đối chiếu và xác thực.

- Mức AS-3: Mức đảm bảo độ tin cậy khá. Người sử dụng dịch vụ được phép đăng ký qua mạng và phải cung cấp một số thông tin cá nhân. Thông tin cung cấp sẽ được đối chiếu và xác minh (có thể được thực hiện qua bên thứ ba có thẩm quyền, hoặc qua đường bưu điện, SMS, hoặc bằng tài khoản ngân hàng được cung cấp,...). Sau đó, tài khoản hoặc thiết bị xác thực sẽ được cung cấp cho người sử dụng.

- Mức AS-4: Mức đảm bảo độ tin cậy cao. Người sử dụng dịch vụ đến nộp trực tiếp các thông tin được yêu cầu với các giấy tờ có công chứng để được cấp tài khoản, thiết bị xác thực hoặc làm các thủ tục nhận dạng sinh học (ví dụ như xác nhận vân tay, giọng nói,...). Sau khi thông tin được đối chiếu, thông tin nhận dạng cá nhân được xác nhận qua cơ quan có thẩm quyền, tài khoản hoặc thiết bị xác thực sẽ được cung cấp cho người sử dụng.

e. Các thuật ngữ được sử dụng

- Xác thực bằng danh tính/mật khẩu (ID/Password): Trong hình thức xác thực điện tử này, danh tính được sử dụng nhằm xác định tính duy nhất của người sử dụng dịch vụ trong giao dịch điện tử. Danh tính của người sử dụng dịch vụ được kết hợp với mật khẩu (được thể hiện dưới dạng chuỗi các ký tự bí mật được người sử dụng dịch vụ giữ) để sử dụng cho mỗi lần đăng nhập.

- Cơ chế xác thực qua nhiều kênh (out-of-band authentication): Mỗi lần xác thực, mật khẩu hay thông tin xác thực ngẫu nhiên được gửi qua một kênh an toàn khác như điện thoại, SMS, thư điện tử,... đến người sử dụng dịch vụ để yêu cầu xác thực.

[...]