Công văn số 1411/TTCP-C.IV về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 1411/TTCP-C.IV
Ngày ban hành 30/06/2009
Ngày có hiệu lực 30/06/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Trần Văn Truyền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1411/TTCP-C.IV
V/v: Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Ngày 12/5/2009, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Đây là văn bản pháp lý quan trọng trong hệ thống các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước cần được quán triệt sâu, rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Để đảm bảo triển khai thực hiện Chiến lược theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương) khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược, hoàn thành trước ngày 30/ 7/2009 và gửi Kế hoạch báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (qua Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN).

Việc xây dựng kế hoạch phải dựa trên các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và những yêu cầu đối với việc tổ chức thực hiện đã được đề ra trong Chiến lược, đồng thời bám sát nội dung hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ (có nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch và biểu mẫu gửi kèm).

Về chế độ thông tin, báo cáo việc thực hiện Chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương: đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo theo các kỳ thống kê ba tháng, một năm và cuối mỗi giai đoạn thực hiện Chiến lược (riêng kỳ đầu tiên đề nghị báo cáo trước ngày 30/9/2009). Các báo cáo gửi về Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phản ánh về Thanh tra Chính phủ (qua Cục Chống tham nhũng) để được hướng dẫn, giải đáp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo TTCP;
- Văn phòng BCĐ TW về PCTN;
- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao;
- Toà án Nhân dân Tối cao
- Kiểm toán Nhà nước;
- Phòng TM và CN Việt Nam;
- Thanh tra Bộ, tỉnh, thành phố;
- Lưu VP, Cục IV (5b).

TỔNG THANH TRA




Trần Văn Truyền

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Văn bản số1411/TTCP-C.IV ngày30/6/2009 của TTCP)

1/ Thời kỳ của kế hoạch

Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược (từ nay đến năm 2011), trong đó có những nội dung chuẩn bị cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của Chiến lược. Trường hợp do đặc thù công tác quản lý của ngành, lĩnh vực, địa bàn thì có thể xây dựng thêm kế hoạch thực hiện Chiến lược hằng năm. Các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cơ bản phải hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Những nhiệm vụ có quy mô lớn, tính chất phức tạp thì có thể chuyển tiếp sang kỳ kế hoạch sau nhưng phải xác định cụ thể ngay trong kế hoạch kỳ này.

2/ Bố cục của Kế hoạch.

Kế hoạch bao gồm các phần chính và phần Phụ lục.

* Các phần chính bao gồm:

- Phần 1: Mục đích;

- Phần 2: Yêu cầu;

- Phần 3: Nội dung kế hoạch;

- Phần 4: Tổ chức thực hiện;

* Phần Phụ lục: gồm những nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các nội dung của kế hoạch được thể hiện dưới dạng biểu, trong đó sắp xếp các nhiệm vụ phải thực hiện theo từng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện, xác định các cơ quan phối hợp thực hiện và ấn định thời hạn hoàn thành nhiệm vụ (có biểu mẫu gửi kèm).

3/ Một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch

Kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi, trong đó lưu ý tính chất logic giữa phần 3: “Nội dung kế hoạch” với các phần khác của kế hoạch để thông qua việc thực hiện các nội dung của kế hoạch sẽ đạt được mục đích và đảm bảo yêu cầu đã đề ra. Mặt khác, các hoạt động đã được xác định trong phần nội dung phải gắn với trách nhiệm thực hiện của một chủ thể có đủ điều kiện thực hiện và một thời hạn thực hiện xác định.

Trong mỗi phần của kế hoạch cần lưu ý các nội dung sau:

a) Mục đích

Phải cụ thể hoá mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể của Chiến lược; xác định các mục đích khác cần đạt được khi kết thúc kỳ kế hoạch phù hợp với yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương và đặc thù của lĩnh vực, địa bàn quản lý. Mục đích phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể để dễ đánh giá, kiểm chứng mức độ đã đạt được.

[...]