Công văn số 1301/TCHQ-GSQL về việc chấn chỉnh nghiệp vụ thanh khoản hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 1301/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 02/03/2007
Ngày có hiệu lực 02/03/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Đặng Hạnh Thu
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1301/TCHQ-GSQL
V/v chấn chỉnh nghiệp vụ thanh khoản hàng GC, NSXXK, TN-TX

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2007

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Theo báo cáo của 6 Cục Hải quan địa phương (Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) và báo cáo của Đoàn công tác Tổng cục Hải quan được thành lập theo Quyết định số 2168/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2006 để kiểm tra, đôn đốc thanh khoản hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất tại Hải quan một số tỉnh, thành phố thì một số Cục Hải quan đã có tiến bộ trong công tác đôn đốc thanh khoản, tuy vậy, một số địa phương còn để tồn đọng hợp đồng gia công quá hạn chưa thanh khoản, nợ thuế quá hạn (tạm thu) tương đối lớn, trong đó có Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hà Nội, Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

I. NHỮNG TỒN TẠI TRONG QUẢN LÝ HÀNG GIA CÔNG, HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU, HÀNG TẠM NHẬP – TÁI XUẤT:

1. Về phía lãnh đạo Hải quan các cấp:

1.1. Chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh khoản.

1.2. Các biện pháp đôn đốc thanh khoản không quyết liệt, thể hiện qua các việc:

- Doanh nghiệp không đến thanh khoản do chây ỳ, Chi cục chỉ mới dừng ở biện pháp gửi giấy mời qua bưu điện hoặc gọi điện thoại trực tiếp, không cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để đôn đốc thanh khoản;

- Doanh nghiệp mất tích chưa cử người đi xác minh;

- Đối với doanh nghiệp không chấp hành đúng thời hạn thanh khoản, thì nếu doanh nghiệp đến làm thủ tục mới lập biên bản vi phạm, không đến tận doanh nghiệp lập biên bản vi phạm để xử phạt VPHC đối với những doanh nghiệp không còn làm thủ tục tại Chi cục.

2. Về phía cán bộ công chức thừa hành:

2.1. Do nhận thức về tầm quan trọng của công tác thanh khoản còn thấp nên chưa chú trọng đến việc đôn đốc thanh khoản, chưa đề ra các biện pháp nhằm thanh khoản dứt điểm nên dẫn đến tình trạng tồn đọng kéo dài.

2.2. Việc áp dụng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thời hạn thanh khoản quy định tại Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ không đúng (một số nơi không xử phạt theo Điều 17 mà xử phạt theo Điều 8 Nghị định số 138/2004/NĐ-CP).

2.3. Số hợp đồng gia công vi phạm thời hạn xử lý nguyên liệu dư nhiều nhưng không áp dụng biện pháp cưỡng chế về thủ tục hải quan như quy định tại Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC để buộc doanh nghiệp phải hoàn thành việc thanh khoản.

2.4. Việc xử lý nguyên phụ liệu cung ứng doanh nghiệp khai không đúng quy định, Tổng cục đã hướng dẫn xử lý tại công văn số 2348/TCHQ-GSQL ngày 31/5/2006 nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa triển khai thực hiện đầy đủ.

3. Về phía doanh nghiệp:

- Do doanh nghiệp mất tích, không tìm thấy địa chỉ.

- Do doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động.

- Doanh nghiệp còn hoạt động nhưng chây ỳ không thanh khoản.

- Do thiếu chứng từ thanh toán.

II. TỪ CÁC TỒN TẠI NÊU TRÊN, YÊU CẦU CỤC HẢI QUAN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ CHẤN CHỈNH NGAY CÔNG TÁC THANH KHOẢN, TRONG ĐÓ CHÚ TRỌNG MỘT SỐ VIỆC SAU ĐÂY:

1. Về công tác nghiệp vụ:

1.1. Từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành ngay việc kiểm tra, rà soát công tác thanh khoản các loại hình NSXXK, gia công, kinh doanh tạm nhập – tái xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những khâu, những việc còn thiếu sót; chủ động phối hợp với các cơ quan như Cục thuế địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các cơ quan khác có liên quan để nắm tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, qua đó có biện pháp quản lý phù hợp.

1.2. Bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, tập hợp và phân loại các tờ khai, các hợp đồng chưa thanh khoản được theo từng loại hình và nguyên nhân tồn đọng (doanh nghiệp không đến thanh khoản, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thanh khoản nhưng còn thiếu chứng từ, không tìm thấy địa chỉ doanh nghiệp, doanh nghiệp đã giải thể …) để xử lý theo hướng sau:

1.2.1. Những trường hợp đã đến thời hạn thanh khoản nhưng doanh nghiệp chưa đến thanh khoản thì áp dụng các biện pháp đôn đốc doanh nghiệp đến thanh khoản như:

a. Có công văn gửi doanh nghiệp để đôn đốc thanh khoản (ấn định thời gian cuối cùng phải thanh khoản; công văn gửi bằng hình thức thư bảo đảm đến doanh nghiệp), đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ.

b. Nếu đôn đốc bằng hình thức gửi công văn mà doanh nghiệp vẫn không đến thanh khoản thì cử công chức Hải quan trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, xác minh doanh nghiệp.

- Nếu còn địa chỉ, còn hoạt động yêu cầu doanh nghiệp cam kết thời hạn thanh khoản.

- Đối với những trường hợp không tìm thấy địa chỉ trụ sở doanh nghiệp theo khai báo thì phối hợp với cơ quan Thuế địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương, Công an để tìm địa chỉ trụ sở mới của doanh nghiệp; nếu không tìm được địa chỉ trụ sở mới của doanh nghiệp thì tìm địa chỉ giám đốc doanh nghiệp để có yêu cầu thanh khoản, nộp thuế. Tất cả các trường hợp không tìm thấy địa chỉ đều phải có kết quả xác minh, xác nhận của chính quyền, Công an địa phương.

[...]