Công văn 1267/STC-GCS hướng dẫn quy trình xử lý, chuyển giao tài sản Nhà nước do Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai ban hành
Số hiệu | 1267/STC-GCS |
Ngày ban hành | 24/07/2006 |
Ngày có hiệu lực | 24/07/2006 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Huỳnh Văn Huệ |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
UBND
TỈNH ĐỒNG NAI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1267/STC-GCS |
Biên Hòa, ngày 24 tháng 07 năm 2006 |
Kính gửi: |
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh
Đổng Nai; |
- Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 02/7/2002;
- Căn cứ Nghị định số: 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ, v/v quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
- Căn cứ Nghị định số: 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ, về bán đấu giá tài sản;
- Căn cứ Quyết định số: 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, v/v ban hành quy chế quản lý việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp;
- Căn cứ Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính, v/v hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính;
- Căn cứ Thông tư số: 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính, v/v hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá;
- Căn cứ Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, v/v tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá;
- Căn cứ Công văn số 3267/UBND-PPLT ngày 23/5/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai, v/v giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nội Vụ, Sở Tư Pháp triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Sau khi thống nhất với Sở Nội Vụ và Sở Tư Pháp, Sở Tài chính hướng dẫn quy trình xử lý, chuyển giao tài sản nhà nước như sau:
I. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước:
1. Tang vật, phương tiện xử lý không qua bán đấu giá:
a) Đối với các tang vật, phương tiện là văn hóa phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng buộc phải tiêu hủy và các hàng hóa khác không được phép lưu thông trên thị trường, thì cơ quan ra quyết định tịch thu (nếu quyết định tịch thu không phải là của UBND cùng cấp) hoặc cơ quan thụ lý trực tiếp tạm giữ tang vật, phương tiện (nếu quyết định tịch thu là của UBND cùng cấp), sau đây gọi tắt là cơ quan ra quyết định tịch thu, lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Việc tiêu hủy phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng.
b) Đối với tang vật, phương tiện là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, thì cơ quan ra quyết định tịch thu phải chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước cùng cấp; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài sản đó thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổ chức hạch toán, theo dõi, quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Đối với tang vật, phương tiện là thuốc tân dược, vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, phương tiện kỹ thuật đặc chủng liên quan đến an ninh, quốc phòng; vật có giá trị lịch sử, văn hóa; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; hàng lâm sản quý hiếm nhóm IA, IB và các tài sản khác không được phép lưu hành, thì cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành có liên quan tổ chức bàn giao cho cơ quan Nhà nước chuyên ngành quản lý tài sản đó để tổ chức quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Đối với động vật hoang dã còn sống khỏe mạnh hoặc sau khi cứu hộ khỏe mạnh, thì cơ quan kiểm lâm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thả về môi trường thiên nhiên phù hợp với sinh thái của từng loài hoặc bán cho cá nhân, tổ chức được phép gây nuôi phát triển, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu văn hóa, đời sống theo thời giá thị trường tại địa phương. Việc thả động vật về môi trường thiên nhiên phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia.
e) Đối với các tang vật, phương tiện còn sử dụng được, có thể chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý sử dụng (phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc …). Sở Tài chính căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản của từng đơn vị, để trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chuyển giao tài sản cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước. Sau khi UBND tỉnh ra quyết định chuyển giao tài sản cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng thì cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận. Thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 43 TC/QLCS ngày 30 tháng 7 năm 1996 của Bộ Tài chính. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận tài sản có trách nhiệm ghi tăng tài sản và giá trị tài sản theo số lượng và giá trị tài sản ghi trong Biên bản giao, nhận tài sản.
f) Đối với tang vật, phương tiện là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng (hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày…), thì cơ quan ra quyết định phải tiến hành lập biên bản và phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức bán ngay theo hình thức bán công khai. Số tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước của cơ quan tài chính cùng cấp nơi bắt giữ tài sản.
g) Đối với tang vật, phương tiện là vật tư, hàng hóa Nhà nước cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất, cơ quan tài chính phối hợp với cơ quan ra quyết định tịch thu bán trực tiếp cho các tổ chức kinh tế được Nhà nước chỉ định để tái xuất theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Tang vật, phương tiện xử lý bán đấu giá:
Đối với các tang vật, phương tiện còn lại (ngoài các tang vật, phương tiện quy định tại điểm 1 nêu trên) được xử lý như sau:
a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định tịch thu có hiệu lực, cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành có liên quan xác định giá khởi điểm (giá sàn) của tang vật, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá.
b) Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tang vật, phương tiện bị tịch thu đã được xác định giá thời điểm, cơ quan ra quyết định tịch thu có trách nhiệm chuyển giao tang vật, phương tiện để bán đấu giá. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện tịch thu thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm có giá trị dưới 10.000.000 đồng (giá trị tang vật, phương tiện của một quyết định tịch thu) thì cơ quan ra quyết định tịch thu phải giao cho cơ quan tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá phải thực hiện theo quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản;
- Nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì cơ quan ra quyết định tịch thu phải giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Đồng Nai để tổ chức bán đấu giá.
c) Việc chuyển giao tang vật, phương tiện cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản theo mẫu số 1 kèm theo hướng dẫn này. Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người bàn giao, người nhận; số lượng, tình trạng tang vật, phương tiện bị tịch thu. Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: quyết định tịch thu tang vật, phương tiện; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có) và biên bản xác định giá khởi điểm (giá sàn) của tang vật, phương tiện bị tịch thu.
d) Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Đồng Nai hoặc cơ quan tài chính cấp huyện không có nơi cất giữ thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tang vật, phương tiện đó. Việc ủy quyền bảo quản tài sản phải được lập thành Hợp đồng theo mẫu số 2 kèm theo hướng dẫn này.