Công văn 1188/BHXH-CSXH hướng dẫn chế độ chính sách bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 1188/BHXH-CSXH
Ngày ban hành 06/04/2010
Ngày có hiệu lực 06/04/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đỗ Văn Sinh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1188/BHXH-CSXH
V/v: Hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách BHXH

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2010

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

 

Căn cứ nội dung Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT - BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; công văn số 665/LĐTBXH-BHXH ngày 9/3/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện phụ cấp khu vực và trong thực hiện chính sách BHXH có phát sinh một số nội dung vướng mắc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cụ thể một số điểm để thực hiện như sau:

1. Một số nội dung về chế độ chính sách bảo hiểm xã hội:

1.1 Thời gian nghỉ việc 5 tháng hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ áp dụng đối với trường hợp làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả lao động làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (nếu có); làm việc theo chế độ 3 ca; làm việc và đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

1.2. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà trong hồ sơ không đủ căn cứ xác định được thời điểm điều trị xong, ra viện do trong giấy ra viện còn có chỉ định như: hẹn khám lại, tháo bột, tháo nẹp, tháo vít.. thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

1.3. Người tham gia BHXH bắt buộc trước đó đã tham gia BHXH tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên (gồm cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện);

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên.

e) Nam từ đủ 50 tuổi trở lên, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên và có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn;

g) Người lao động có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên mà trong đó có đủ 1 5 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn.

1.4. Người vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, khi tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp tuất một lần đối với thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì tính bình quân các mức tiền lương tháng đóng BHXH theo 5 năm cuối hoặc 6 năm cuối hoặc 8 năm cuối hoặc 10 năm cuối của thời gian này căn cứ vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc.

1.5. Người lao động thuộc các đối tượng quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa không quá 6 tháng mới đủ 20 năm thì được đóng BHXH một lần cho những tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định (đối tượng làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì thời gian đóng thêm không được tính là thời gian đã làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. . .). Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động này tính từ tháng liền kề sau tháng đã có đủ thời gian 20 năm đóng BHXH và nộp đủ hổ sơ.

Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 27 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP thì giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định sau khi đã có đủ thời gian 20 năm đóng BHXH, nộp đủ hổ sơ và có kết quả giám định y khoa bị suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

Ví dụ l: ông A tháng 5/2010 nghỉ việc và đủ 60 tuổi, nhưng tính đến hết tháng 4/2010 mới có 19 năm 7 tháng đóng BHXH bắt buộc, ông A thuộc đối tượng được đóng tiếp một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí. ông A đóng BHXH một lần cho 5 tháng còn thiếu vào tháng 5 và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan BHXH theo quy định trước tháng 10/2010 thì được hưởng lương hưu bắt đầu từ ngày 01/10/2010. Trường hợp đến tháng 7/2010 ông A mới đóng BHXH một lần cho 5 tháng còn thiếu và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan BHXH trước tháng 12/2010 thì lương hưu của ông A được hưởng bắt đầu từ ngày 01/12/2010.

Ví dụ 2: ông B sinh tháng 1/1960 có 19 năm 8 tháng đóng BHXH bắt buộc đã nghỉ việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, tháng 6/2010 ông B đóng BHXH một lần cho 4 tháng còn thiếu để được giải quyết hưởng chế độ hưu trí khi có đủ điều kiện theo quy định; tháng 8/2010 ông B đề nghị được giới thiệu đi giám định khả năng lao động, tháng 9/2010 có kết quả giám định y khoa kết luận ông B bị suy giảm khả năng lao động 65% và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan BHXH. ông B được giải quyết hưởng chế độ hưu trí theo quy định kể từ ngày 01/10/2010. Trường hợp này nếu đến tháng 11/2010  mới có kết quả giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 65% thì ông B được giải quyết hưởng chế độ hưu kể từ ngày 01/12/2010.

1.6. Thời gian là cán bộ xã hưởng sinh hoạt phí được tính hưởng BHXH của người lao động được coi là thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định để làm cơ sở tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH khi giải quyết chế độ hưu trí, BHXH một lần hoặc trợ cấp tuất một lần.

1.7. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân để hưởng BHXH được

thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy định trước 01/01/1995. Trong đó, người có thời gian công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, nếu sau đó được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian công tác trong quân đội thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao đông -Thương binh và Xã hội).

1.8. Cán bộ, công chức đã nghỉ việc theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ, nếu chưa hưởng BHXH theo quy định thì thời gian đã đóng BHXH được bảo lưu và thực hiện giải quyết chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH.

1.9. Đối với người có thời gian là hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân mà khi tính lương bình quân có tính cả thời gian này thì tiền lương làm căn cứ tính hưởng BHXH của thời gian là hạ sỹ quan, chiến sỹ được 'tính bằng mức lương tối thiểu chung.

1.10 Trường hợp người lao động đã nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01/01/2007 có bao gồm cả phụ cấp khu vực và từ ngày 01/01/2007 tiếp tục hưởng phụ cấp khu vực theo quy định tại Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ. Nếu từ ngày 01/01/2007 trở đi người lao động này đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc hưởng trợ cấp BHXH một lần hoặc trợ cấp tuất một lần thì không thuộc đối tượng được giải quyết trợ cấp khu vực một lần khi nghỉ hưu hoặc hưởng BHXH một lần hoặc trợ cấp tuất một lần.

1.11 Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần mà bị chết từ ngày 01/01/2007 trở đi thì ngoài trợ cấp tuất theo quy định còn được hưởng khoản trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng vào quỹ BHXH theo quy định tại khoản 1 mục II Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức lương tối thiểu chung làm căn cứ tính mức trợ cấp một lần đối với thời gian đóng BHXH có bao gồm phụ cấp khu vực là lương tối thiểu chung tại tháng người lao động chết .

1.12. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc mà tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động không đóng BHXH (kể cả đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), sau đó tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc mà ngay trong tháng đầu tham gia BHXH bị tai nạn lao động thì tiền lương, tiền công tính hưởng trợ cấp là tiền lương, tiền công của chính tháng đó.

2. Một sổ nội dung về giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội:

2.1 Về giải quyết hưởng BHXH đối với một số trường hợp đã được giải quyết trước tháng 01/1995:

[...]