Công văn 1179/VKSTC-V14 năm 2024 về giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp trong năm 2023 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 1179/VKSTC-V14
Ngày ban hành 01/04/2024
Ngày có hiệu lực 01/04/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1179/VKSTC-V14
V/v giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp trong năm 2023

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2024

 

Kính gửi:

- Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về tham mưu giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát (VKS) các cấp trong năm 2023, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao (Vụ 14) giải đáp một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Vụ 14 như sau:

I. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT LIÊN QUAN ĐẾN HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ

1. Những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất Vụ 14 ghi nhận để tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS), Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao...)

1.1. Quá trình giải quyết vụ án, vụ việc liên quan các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”“Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Điều 357 BLHS, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định tình tiết “thiệt hại khác” là gồm những thiệt hại gì, nên có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tình tiết “gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (VKSND tỉnh An Giang)

Trả lời:

Vụ 14 ghi nhận vấn đề này để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bổ sung hướng dẫn. Trước mắt, có thể tham khảo quy định khoản 9 Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ hướng dẫn về thiệt hại khác quy định tại các điều 353, 354, 355 và 358 BLHS, theo đó, “thiệt hại khác” là thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội và là những thiệt hại không phải là thiệt hại về tài sản đã được quy định trong các điều nêu trên của BLHS.

1.2. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ 01/01/2018, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn luật vẫn chưa đồng bộ. Một số Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã hết hiệu lực nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thay thế; một số vấn đề còn có hướng dẫn giải đáp chưa cụ thể, chồng chéo gây khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ (ví dụ: tội phạm liên quan đến hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan và tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...) (Vụ 2, Vụ 7; VC1; VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Kon Tum, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang,...)

Trả lời:

- Về vấn đề này, VKSND tối cao đã có văn bản gửi TAND tối cao đề nghị sớm ban hành văn bản thay thế các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS đã hết hiệu lực. Hiện nay, TAND tối cao cũng đang xây dựng một số dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn liên quan như: Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 BLHS; Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm ma túy; Nghị quyết hướng dẫn áp dụng 1 số quy định tại Điều 347, Điều 348, Điều 349 và Điều 350 BLHS...

Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại địa phương cần chủ động phối hợp trao đổi, thống nhất quan điểm để xử lý, giải quyết các vụ án liên quan, bảo đảm phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); đồng thời, có thể tham khảo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật không trái với quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- VKSND tối cao đang tiến hành xây dựng Báo cáo đánh giá thực tiễn 05 năm thi hành BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong ngành KSND, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung BLHS hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết BLHS. Do vậy, đề nghị VKS các địa phương tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật hình sự để VKSND tối cao tiếp tục tổng hợp chung trong quá trình xây dựng Báo cáo.

1.3. Đối với tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 255 BLHS: điểm a tiết 6.3 mục 6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định “người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội Sử dụng trái phép chất ma túy”. Tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì chỉ bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II và Mục 8 Thông tư liên tịch số 17. Nghĩa là mục 6 phần II Thông tư liên tịch số 17 vẫn có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 18/5/2020 và Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 hướng dẫn “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc, như:

- Về việc áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” trong trường hợp các đối tượng cùng nhau góp tiền, phân công đi mua ma túy, chuẩn bị công cụ sử dụng ma túy... về cùng sử dụng, hiện nay, các văn bản hướng dẫn của TAND tối cao và VKSND tối cao có nhiều nội dung chưa thống nhất về đường lối giải quyết, cụ thể:

+ Tại Công văn số 1797/VKSTC-V14 ngày 25/5/2022 của VKSND tối cao hướng dẫn áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” trường hợp trong 01 lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội tổ chức cho 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy mà 02 người này phải không có hành vi đồng phạm với người phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

+ Tại Công văn số 279/TANDTC-V1 ngày 09/12/2022 của TAND tối cao, Công văn số 20/VKSTC-V4 ngày 04/01/2023 của VKSND tối cao, hướng dẫn áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” trường hợp trong 01 lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội tổ chức cho 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy mà 02 người này (không bao gồm người phạm tội) có thể là không phạm tội hoặc đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

- Việc xem xét xử lý đối với lượng ma túy còn lại thu giữ được trong các vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”: Thực tiễn, địa phương vận dụng giải đáp tại Công văn số 1149/VKSTC-V4 ngày 07/4/2022 và Văn bản số 1723/VKSTC-V4 ngày 09/5/2023 của VKSND tối cao để xử lý hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy đối với trường hợp lượng ma túy còn lại thu giữ được đủ lượng để cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 249 BLHS và xác định được nguồn gốc số ma túy nói trên là của ai. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên tại một số địa phương có quan điểm không xử lý hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” mà thu hút về tội “Tổ chức trái phép chất ma túy”.

- Xử lý vật chứng trong vụ án ma túy: Trong các vụ án về ma túy, các bị cáo thường sử dụng xe mô tô, xe máy làm phương tiện phạm tội (dùng để mua, bán hoặc vận chuyển ma túy). Trong nhiều trường hợp, những phương tiện này không phải thuộc quyền sở hữu của bị cáo mà do các bị cáo mượn của người thân, bạn bè để sử dụng; những người này đều không biết các bị cáo sử dụng xe của mình để thực hiện hành vi phạm tội. Hiện nay, việc xử lý vật chứng của Tòa án đối với những phương tiện nói trên là chưa thống nhất. Thực tế xét xử, có trường hợp Thẩm phán lại tuyên trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp; nhưng cũng có trường hợp Thẩm phán tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước, nếu phát sinh tranh chấp giữa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và bị cáo thì sẽ giải quyết bằng vụ án dân sự khi có yêu cầu. Nhận thấy, việc tịch thu sung công đối với những tài sản nói trên là không đảm bảo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan (VKSND các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Định, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trả lời:

Hiện nay, VKSND tối cao đang phối hợp với TAND tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm ma túy. Do vậy, đối với các vấn đề như: định tội đối với người nghiện ma túy; về nhận thức áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên”; việc giải quyết đối với trường hợp các đối tượng cùng nhau góp tiền, phân công đi mua ma túy, chuẩn bị công cụ sử dụng ma túy... về cùng sử dụng, Vụ 14 sẽ tổng hợp, đề nghị TAND tối cao trong quá trình nghiên cứu, góp ý đối với dự thảo Nghị quyết này để áp dụng pháp luật thống nhất.

1.4. Điều 318 BLHS quy định tội Gây rối trật tự công cộng với tình tiết định tội là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, đây cũng là tình tiết định khung cơ bản, khung tăng nặng của một số loại tội phạm được quy định tại BLHS. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, do đó gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng thống nhất đường lối xử lý (VKSND các tỉnh: Quảng Bình, Kon Tum, Bình Thuận)

Trả lời:

Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại khoản 1 Điều 318 BLHS[1]. Vụ 14 ghi nhận, tổng hợp và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn.

Tuy nhiên, các địa phương có thể tham khảo ý kiến của Vụ 14 tại cuốn sách “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy” do Văn phòng, Vụ 14 phối hợp xuất bản tại Nhà xuất bản Tư pháp năm 2019 (câu số 39 Phần I.1) trả lời về tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 168, điểm h khoản 2 Điều 169, điểm đ khoản 2 Điều 170, điểm h khoản 2 Điều 171, điểm c khoản 1 Điều 172, điểm c khoản 1 Điều 173, điểm c khoản 1 Điều 174, điểm e khoản 2 Điều 175, điểm c khoản 1 Điều 178 BLHS; Công văn số 1120/VKSTC-V14 ngày 28/3/2023 tổng hợp, giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp trong 03 năm (năm 2020 - 2022); khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại khoản 3 các điều 353, 355 của BLHS để thống nhất liên ngành tố tụng giải quyết các vụ án theo quy định.

1.5. Khó khăn trong xem xét, áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS; “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS; tình tiết “có tính chất côn đồ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS; “phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS,... do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể (VKSND các tỉnh: Cao Bằng, Sơn La, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh)

Trả lời:

Các tình tiết nêu trên chưa được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn cụ thể hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, trong thời gian chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì các đơn vị có thể nghiên cứu, tham khảo:

(1) Về  tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS, có thể tham khảo, vận dụng hướng dẫn tại mục 5.1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để phối hợp xử lý vì hiện còn phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là trường hợp người phạm tội: (i) cố ý thực hiện tội phạm từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích và (ii) lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

[...]