Công văn 10048/BCT-TTTN năm 2015 về thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu | 10048/BCT-TTTN |
Ngày ban hành | 29/09/2015 |
Ngày có hiệu lực | 29/09/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Đỗ Thắng Hải |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10048/BCT-TTTN |
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2015 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Để thống nhất triển khai thực hiện tốt nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch trung tâm logistics) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh) phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
I. Về công tác bảo đảm tuân thủ quy hoạch trong đầu tư phát triển các trung tâm logistics
1. Đối với các trung tâm logistics hiện có, đang hoạt động hoặc đã được quy hoạch trong các quy hoạch ngành, vùng, khu kinh tế do Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt trước thời điểm ban hành Quy hoạch trung tâm logistics theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg sẽ tiếp tục thực hiện theo nội dung các quy hoạch này. Ưu tiên đầu tư nâng cấp các trung tâm logistics hiện có, phù hợp với quy hoạch và hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua.
2. Đối với việc đầu tư phát triển mới các trung tâm logistics:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào nội dung Quy hoạch trung tâm logistics ban hành tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khả năng, điều kiện, nhu cầu phát triển trung tâm logistics thực tế của địa phương, của vùng để xác định phương án định hướng phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương và cả nước. Trong đó, xác định qui mô dự kiến, khả năng bố trí quỹ đất, phương án thu hút đầu tư...
Đối với các trung tâm logistics chuyên dụng hàng không (bao gồm cả các kho hàng không kéo dài), ngoài các nội dung nêu trên, phải bảo đảm gắn liền với cảng hàng không, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống cảng hàng không của cả nước, tập trung thực hiện các dịch vụ logistics đối với các mặt hàng công nghệ cao, hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hóa có giá trị lớn....; kết nối và phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện đại và các trung tâm công nghệ chế tạo tiên tiến trên địa bàn các vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam, trước hết nhằm tối ưu hóa trong lưu thông, phân phối đối với vật tư, hàng hóa hiện đại, phức tạp, tinh xảo, giá trị cao và dễ hư hỏng thuộc đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp này, từng bước mở rộng công năng, phục vụ cả hoạt động tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu qua các cảng hàng không quốc tế trên địa bàn cả nước.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh có văn bản gửi Bộ Công Thương kèm theo các nội dung nêu trên để có ý kiến thống nhất về mặt quy hoạch trước khi Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai các bước tiếp theo để thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn.
- Bộ Công Thương căn cứ vào Quy hoạch phát triển chung các trung tâm logistics trên địa bàn cả nước theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực tế phát triển các trung tâm logistics tới thời điểm hiện hành, có văn bản thông báo tới Ủy ban nhân dân tỉnh về phương án phát triển trung tâm logistics do tỉnh đề xuất trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời thông báo rộng rãi trên Trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương để các địa phương, nhà đầu tư biết, chủ động thực hiện.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, khi thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các trung tâm logistics. Đặc biệt đối với nhà đầu tư trung tâm logistics chuyên dụng hàng không (bao gồm cả các kho hàng không kéo dài) cần lưu ý một số yêu cầu về việc bảo đảm đủ điều kiện cung cấp dịch vụ hàng không; có thỏa thuận hợp tác hoặc bản ghi nhớ, cam kết hợp tác với khách hàng sử dụng dịch vụ logistics hàng không, đặc biệt là các nhà sản xuất công nghệ cao, các công ty xuất nhập khẩu mặt hàng tinh xảo, có giá trị lớn, có nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không; có thỏa thuận hoặc bản ghi nhớ, cam kết hợp tác kinh doanh với đơn vị vận hành ga hàng hóa tại sân bay...
II. Về việc phân hạng trung tâm logistics
2. Tiêu chí xem xét, phân hạng trung tâm logistics cụ thể như sau:
2.1. Đối với trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế:
a. Có vị trí đầu mối giao thông thuận tiện, gần hoặc có thể kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế;
b. Có diện tích từ 20 ha trở lên;
c. Bán kính phục vụ tối thiểu trên 100 km, phục vụ cho hoạt động giao thương trên phạm vi toàn quốc hoặc quốc tế;
d. Thực hiện đầy đủ các dịch vụ logistics chủ yếu theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics (sau đây viết tắt là Nghị định số 140/2007/NĐ-CP), bao gồm:
- Dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container;
- Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị;
- Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa;
- Các dịch vụ bổ trợ khác gồm: hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.
đ. Thực hiện một hoặc một số dịch vụ logistics liên quan đến vận tải theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 140/2007/NĐ-CP, bao gồm: Dịch vụ vận tải hàng hải; Dịch vụ vận tải thủy nội địa; Dịch vụ vận tải hàng không; Dịch vụ vận tải đường sắt; Dịch vụ vận tải đường bộ; dịch vụ vận tải đường ống.
e. Thực hiện một hoặc một số dịch vụ logistics liên quan khác theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 140/2007/NĐ-CP, bao gồm: Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật; Dịch vụ bưu chính; Dịch vụ thương mại bán buôn; Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng; Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác;....
2.2. Đối với trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế:
a. Có vị trí giao thông thuận tiện, nằm ở các trung tâm kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn, các vùng sản xuất tập trung;
b. Có diện tích từ 10 ha trở lên;
c. Bán kính phục vụ từ 50km trở lên, phục vụ cho hoạt động giao thương trong một vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế;