CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 140/2007/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 9 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH
VỤ LÔ-GI-STÍC VÀ GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI THƯƠNG NHÂN KINH DOANH DỊCH VỤ
LÔ-GI-STÍC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thương mại ngày
14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Công thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết
thi hành Luật thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn
trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ 1ô-gi-stíc.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với
thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân
khác hoạt động liên quan đến địch vụ lô-gi-stíc.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ
sau đây được hiểu như sau:
1. Dịch vụ lô-gi-stíc là
hoạt động thương mại được quy định tại Điều 233 Luật Thương mại.
2. Thương nhân kinh doanh dịch
vụ lô-gi-stíc là thương nhân tổ chức thực hiện dịch vụ lô-gi-stíc cho khách
hàng bằng cách tự mình thực hiện hoặc thuê lại thương nhân khác thực hiện một
hoặc nhiều công đoạn của dịch vụ đó.
3. Thương nhân nước ngoài
kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc là thương nhân thuộc các nước, vùng lãnh thổ
mà Việt Nam
có cam kết trong các điều ước quốc tế về mở cửa thị trường kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc.
4. Giới hạn trách nhiệm
là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc chịu trách nhiệm
bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá
trình tổ chức thực hiện dịch vụ lô-gi-stíc theo quy định tại Nghị định này.
Điều 4. Phân
loại dịch vụ lô-gi-stíc
Dịch vụ lô-gi-stíc theo quy định
tại Điều 233 Luật thương mại được phân loại như sau:
1. Các dịch
vụ lô-gi-stíc chủ yếu, bao gồm:
a) Dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao
gồm cả hoạt động bốc xếp container;
b) Dịch vụ kho bãi và lưu giữ
hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên
liệu, thiết bị;
c) Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm
cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa;
d) Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm
cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển
và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi lô-gi-stíc; hoạt động xử lý lại hàng
hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái
phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.
2. Các dịch
vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải, bao gồm:
a) Dịch vụ vận tải hàng hải;
b) Dịch vụ vận tải thủy nội địa;
c) Dịch vụ vận tải hàng không;
d) Dịch vụ vận tải đường sắt;
đ) Dịch vụ vận tải đường bộ;
e) Dịch vụ vận tải đường ống.
3. Các dịch
vụ lô-gi-stíc liên quan khác, bao gồm:
a) Dịch vụ kiểm tra và phân tích
kỹ thuật;
b) Dịch vụ bưu chính;
c) Dịch vụ thương mại bán buôn;
d) Dịch vụ thương mại bán lẻ,
bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng
hóa, phân phối lại và giao hàng;
đ) Các dịch vụ hỗ trợ vận tải
khác.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH
VỤ LÔ-GI-STÍC VÀ GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI THƯƠNG NHÂN KINH DOANH DỊCH VỤ
LÔ-GI-STÍC
Điều 5. Điều kiện kinh doanh đối với
thương nhân kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc chủ yếu
Thương nhân kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc chủ yếu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này phải đáp ứng
các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp có đăng ký
kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
2. Có đủ phương tiện, thiết bị,
công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng
yêu cầu.
3. Thương nhân nước ngoài kinh
doanh dịch vụ lô-gi-stíc ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2
Điều này chỉ được kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc khi tuân theo những điều kiện
cụ thể sau đây:
a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
bốc dỡ hàng hoá thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn
góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%;
b) Trường hợp
kinh doanh dịch vụ kho bãi thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ
góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%; hạn chế này chấm dứt vào năm
2014;
c) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
đại lý vận tải thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của
nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%, được thành lập công ty liên doanh không hạn
chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2014;
d) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
bổ trợ khác thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của
nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; hạn chế này là 51% kể từ năm 2010 và chấm
dứt hạn chế vào năm 2014.
Điều 6. Điều kiện kinh doanh đối với
thương nhân kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải
Thương nhân kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc liên quan đến vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này
phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp có đăng ký
kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
2. Tuân thủ các điều kiện về
kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thương nhân nước ngoài kinh
doanh dịch vụ lô-gi-stíc ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản
1, 2 Điều này chỉ được kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc khi tuân theo những điều
kiện cụ thể sau đây:
a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
vận tải hàng hải thì chỉ được thành lập công ty liên doanh vận hành đội tàu từ
năm 2009, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; được
thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế trong đó tỷ lệ góp vốn
của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%, hạn chế này chấm dứt vào năm 2012;
b) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
vận tải thủy nội địa thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ
góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%;
c) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
vận tải hàng không thì thực hiện theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt
Nam;
d) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
vận tải đường sắt thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp
vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%;
đ) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
vận tải đường bộ thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn
của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; hạn chế này là 51% kể từ năm 2010;
e) Không được thực hiện dịch vụ
vận tải đường ống, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam
là thành viên có quy định khác.
Điều 7. Điều kiện kinh doanh đối với
thương nhân kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan khác
Thương nhân kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc liên quan khác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này phải
đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp có đăng ký
kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
2. Thương nhân nước ngoài kinh
doanh dịch vụ lô-gi-stíc chỉ được kinh doanh các dịch vụ lô-gi-stíc khi tuân
theo những điều kiện cụ thể sau đây:
a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
kiểm tra và phân tích kỹ thuật:
Đối với những dịch vụ được cung
cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ thì chỉ được thực hiện dưới hình thức
liên doanh sau ba năm hoặc dưới các hình thức khác sau năm năm, kể từ khi doanh
nghiệp tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
Không được kinh doanh dịch vụ kiểm
định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
Việc thực hiện dịch vụ kiểm tra
và phân tích kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan
có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
b) Trường hợp kinh doanh dịch vụ
bưu chính, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ thực hiện
theo quy định riêng của Chính phủ.
c) Không được thực hiện các dịch
vụ hỗ trợ vận tải khác, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam
là thành viên có quy định khác.
Điều 8. Giới
hạn trách nhiệm
1. Giới hạn trách nhiệm của
thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải thực hiện theo
quy định của pháp luật có liên quan về giới hạn trách nhiệm trong lĩnh vực vận
tải.
2. Giới hạn trách nhiệm của
thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc không thuộc phạm vi khoản 1 Điều này
do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện như
sau:
a) Trường hợp khách hàng không
có thông báo trước về giá trị của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là
500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường;
b) Trường hợp khách hàng đã
thông báo trước về giá trị của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc xác nhận thì giới hạn trách nhiệm là toàn bộ giá trị của hàng hóa
đó.
3. Giới hạn trách nhiệm đối với
trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc tổ chức thực hiện nhiều
công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau là giới hạn trách nhiệm của
công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.
Chương 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT
ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ LÔ-GI-STÍC
Điều 9. Quản
lý nhà nước
1. Bộ Công thương chịu trách nhiệm
chung trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh
doanh dịch vụ lô-gi-stíc.
2. Các Bộ: Giao thông vận tải,
Công thương, Thông tin và Truyền thông trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc liên quan, bao gồm tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm các điều
kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật của thương nhân kinh doanh dịch
vụ lô-gi-stíc trong lĩnh vực được phân công.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc theo quy định
hiện hành của pháp luật.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ nêu tại các khoản 1, 2,
3 Điều này trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc.
Điều 10. Xử
lý vi phạm
Thương nhân kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc, tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm quy định của Nghị định này
thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm
hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải
bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11.
Quy định chuyển tiếp
Thương nhân kinh doanh dịch vụ
lô-gi-stíc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện hoạt động
lô-gi-stíc trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định này được phép tiếp tục
kinh doanh và không phải đăng ký lại.
Điều 12. Hiệu
lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|