Công ước về lao động cưỡng bức, 1930

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/06/1930
Ngày có hiệu lực 18/03/2010
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

CÔNG ƯỚC

VỀ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC, 1930

(Công ước số 29 của ILO)

Hội nghị Toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ và tiến hành kỳ họp thứ 14 ngày 10/6/1930; và

Sau khi quyết định thông qua một số đề xuất cụ thể về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, là vấn đề thuộc điểm thứ nhất trong chương trình nghị sự kỳ họp;

Sau khi nhận định rằng những đề xuất này phải được thể hiện dưới hình thức một công ước quốc tế;

Thông qua vào ngày 28/6/1930 công ước dưới đây, gọi là Công ước về Lao động cưỡng bức 1930, để các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế phê chuẩn theo các điều khoản trong Điều lệ của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Điều 1.

1. Các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế phê chuẩn công ước này cam kết bãi bỏ việc sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc dưới mọi hình thức, trong thời hạn ngắn nhất có thể.

2. Vì mục đích bãi bỏ hoàn toàn này, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc chỉ có thể được sử dụng, trong giai đoạn chuyển tiếp, vào những mục đích công cộng và phải coi như một biện pháp đặc biệt, theo những điều kiện và bảo đảm được quy định tại các điều sau đây của Công ước này.

3. Khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày Công ước này bắt đầu có hiệu lực, và khi chuẩn bị báo cáo theo quy định tại điều 31 dưới đây, Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế sẽ xem xét khả năng huỷ bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc dưới mọi hình thức, mà không quy định thêm thời gian chuyển tiếp, và việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Hội nghị.

Điều 2.

1. Vì mục đích của Công ước này, cụm từ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” có nghĩa là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ về bất kỳ hình phạt nào và bản thân người đó không tự nguyện làm.

2. Tuy nhiên, vì mục đích của Công ước này, cụm từ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” không bao gồm:

a) Bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào được yêu cầu theo các đạo luật về nghĩa vụ quân sự bắt buộc có tính chất quân sự thuần tuý;

b) Bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào là một phần của những nghĩa vụ công dân bình thường của các công dân trong một đất nước hoàn toàn tự quản;

c) Bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào mà một người được yêu cầu phải làm theo phán quyết của toà án với điều kiện là công việc hoặc dịch vụ đó phải được tiến hành dưới sự giám sát và quản lý của nhà chức trách, và người đó không bị thuê mướn, hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của các cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân;

d) Bất kỳ công việc hoặc dịch vụ nào được yêu cầu trong những trường hợp khẩn cấp, đó là, trong trường hợp có chiến tranh, xảy ra tai hoạ hoặc có nguy cơ xảy ra tại hoạ như cháy, lụt lội, nạn đói, động đất, dịch bệnh dữ dội của người và gia súc, sự xâm hại của thú vật, côn trùng hoặc ký sinh trùng, và nói chung là trong mọi tình thế có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại hoặc đời sống của toàn thể hoặc một phần dân cư;

e) Các hình thức phục vụ cộng đồng địa phương do những thành viên của cộng đồng thực hiện vì lợi ích trực tiếp của cộng đồng đó, và vì vậy có thể được coi như là những nghĩa vụ công dân bình thường của các thành viên trong cộng đồng, với điều kiện là những thành viên trong cộng đồng đó hoặc những người đại diện trực tiếp của họ có quyền được tham khảo ý kiến về sự cần thiết của những công việc đó.

Điều 3.

Vì mục đích của Công ước này, cụm từ “nhà chức trách có thẩm quyền” có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền của chính quốc hoặc cơ quan trung ương cao nhất của lãnh thổ liên quan.

Điều 4.

1. Nhà chức trách có thẩm quyền không được áp đặt hoặc cho phép áp đặt việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc vì lợi ích của cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân.

2. Nếu một hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc vì lợi ích của cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân như vậy còn tồn tại tại thời điểm quốc gia thành viên Công ước này đăng ký phê chuẩn Công ước với Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế, thì quốc gia thành viên đó phải bãi bỏ hoàn toàn việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc đó, từ ngày Công ước này bắt đầu có hiệu lực đối với quốc gia thành viên đó.

Điều 5.

1. Không cho phép các cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân sử dụng bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc nào để sản xuất hoặc thu hoạch những sản phẩm mà các cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân ấy sử dụng hoặc buôn bán.

2. Tại những nơi có những quy định hiện hành cho phép sử dụng lao động cưỡng bức và bắt buộc như vậy, những quy định đó phải được bãi bỏ sớm nhất có thể, nhằm tuân thủ điều 1 của Công ước này.

Điều 6.

Các viên chức hành chính, kể cả khi có nhiệm vụ khuyến khích những người dân mà mình phụ trách để tham gia một hình thức lao động nào đó, không được gây áp lực với những người dân đó hoặc với bất cứ cá nhân nào trong đó để họ làm việc cho các cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân.

[...]