Công ước về thông báo nhanh trong những trường hợp sự cố hạt nhân

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 26/09/1986
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CÔNG ƯỚC

VỀ THÔNG BÁO NHANH TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP SỰ CỐ HẠT NHÂN

Các quốc gia tham gia công ước này:

NHẬN THỨC rằng các hoạt động hạt nhân đang được tiến hành ở một số Quốc gia,

LƯU Ý rằng các biện pháp toàn diện đã và đang được tiến hành nhằm bảo đảm cao độ tính an toàn trong các hoạt động hạt nhân nhằm phòng ngừa các tại nạn hạt nhân và giảm đến mức tối thiểu hậu quả của mọi tai nạn hạt nhân nếu nó xảy ra.

MONG MUỐN tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế trong việc sử dụng an toàn và phát triển năng lượng hạt nhân,

GHI NHẬN sự hữu ích của các thoả thuận song phương và đa phương về trao đổi thông tin trong lĩnh vực này,

ĐÃ THOẢ THUẬN như sau:

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Công ước này sẽ áp dụng trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự cố hạt nhân  nào dính líu đến các thiết bị, cơ sở hoặc hoạt động được nêu trong mục 2 dưới đây của một Quốc gia tham gia Công ước, của các cá thể hoặc thực thể luật pháp có quyền hạn hoặc quyền kiểm soát đối với các thiết bị hoặc cơ sở đó. Sự cố đó dẫn đến thất thoát vật liệu phóng xạ hoặc tương tự và gây ra hoặc có thể gây ra lan truyền phóng xạ quốc tế, làm ảnh hưởng đến an toàn bức xạ đối với các Quốc gia khác.

2. Các thiết bị và hoạt động liên quan trong mục 1 là:

a) Lò phản ứng hạt nhân ở bất kỳ địa điểm nào;

b) Thiết bị dùng cho chu trình nhiên liệu hạt nhân;

c) Cơ sở quản lý chất thải phóng xạ;

d) Việc vận chuyển hay lưu giữ nhiên liệu hạt nhân hoặc chất thải phóng xạ;

e) Việc chế tạo, sử dụng, lưu giữ, sở hữu và vận chuyển đồng vị phóng xạ dùng cho nông nghiệp, công nghiệp, y tế và các mục đích nghiên cứu khoa học, và

f) Việc sử dụng đồng vị phóng xạ để phát năng lượng trong các vật thể vũ trụ.

Điều 2. Thông báo và thông tin

Trong trường hợp xảy ra một sự cố cụ thể như ghi trong Điều 1 (dưới đây gọi là sự cố hạt nhân), Quốc gia tham gia Công ước theo như điều đó sẽ:

a) Ngay lập tức, bằng cách trực tiếp hoặc qua Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (dưới đây gọi là Cơ quan) thông báo cho các Quốc gia bị hoặc có thể bị ảnh hưởng do ngẫu nhiên như ghi trong Điều 1 và Cơ quan về sự cố hạt nhân.

b) Trực tiếp hoặc thông qua Cơ quan, cung cấp ngay cho các Quốc gia ghi trong mục a) và Cơ quan những thông tin có được liên quan đến việc giảm đến mức tối thiểu hậu quả phóng xạ ở các Quốc gia đó, như cụ thể ở Điều 5.

Điều 3. Những sự cố hạt nhân khác

Để làm giảm đến mức tối thiểu những hậu quả phóng xạ, các Quốc gia tham gia Công ước có thể thông báo trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân ngoài sự cố cụ thể như ghi trong Điều 1.

Điều 4. Chức năng của Cơ quan

Cơ quan sẽ:

a) Thông tin ngay lập tức cho các Quốc gia tham gia Công ước, các Quốc gia thành viên, các Quốc gia khác bị hoặc có thể bị ảnh hưởng như cụ thể ghi trong Điều 1, các tổ chức Quốc tế, tổ chức liên Chính phủ hữu quan (dưới đây gọi là các tổ chức quốc tế) về thông báo đã nhận được theo mục a của Điều 2, và

b) Cung cấp ngay cho mọi Quốc gia tham gia, mọi Quốc gia thành viên hoặc tổ chức Quốc tế hữu quan, theo yêu cầu các thông tin nhận được theo mục b của Điều 2.

Điều 5. Thông tin cần cung cấp

1. Thông tin cần được cung cấp theo mục b của Điều 2 bao gồm các số liệu sau đây ngay sau khi Quốc gia cần thông báo có được:

a) Thời gian, địa điểm chính xác và bản chất của sự cố;

[...]