Thông tư 24/2012/TT-BKHCN hướng dẫn và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp cơ sở và tỉnh do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 24/2012/TT-BKHCN
Ngày ban hành 04/12/2012
Ngày có hiệu lực 18/01/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Đình Tiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2012/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ, SỰ CỐ HẠT NHÂN CẤP CƠ SỞ VÀ CẤP TỈNH

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân,

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sự cố bức xạ và hạt nhân (sau đây gọi tắt là sự cố) là tình trạng mất an toàn bức xạ; mất an toàn hạt nhân; mất an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, cơ sở bức xạ và cơ sở hạt nhân.

2. Nhóm nguy cơ gây ra sự cố (sau đây gọi tắt là nhóm nguy cơ) là nhóm các cơ sở, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và các hoạt động có khả năng gây ra sự cố với mức độ thiệt hại tương đương nhau.

3. Ứng phó sự cố là việc áp dụng mọi biện pháp ứng phó nhanh chóng, kịp thời nhằm giảm thiểu hậu quả của sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của con người, gây thiệt hại về môi trường và tài sản.

4. Kế hoạch ứng phó sự cố là văn bản quy định về các nguyên tắc hoạt động, phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố; đánh giá các nguy cơ; đưa ra các quy trình ứng phó chung; việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố nhằm giảm thiểu các hậu quả do sự cố gây ra.

Điều 3. Nguyên tắc lập kế hoạch ứng phó sự cố

Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch ứng phó sự cố theo các nguyên tắc sau:

1. Phù hợp với quy định của pháp luật và các kế hoạch ứng phó đối với loại sự cố khác.

2. Phù hợp với nhóm nguy cơ tương ứng đối với từng cơ sở, từng địa phương trong các hoạt động liên quan tới bức xạ, hạt nhân.

3. Kế hoạch ứng phó sự cố phải bảo đảm đạt được các tiêu chí sau: việc ứng phó được tiến hành kịp thời, được quản lý, kiểm soát, phối hợp đồng bộ và hiệu quả ở các cấp; có sự phân công trách nhiệm và chỉ đạo rõ ràng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị và ứng phó sự cố.

Điều 4. Trách nhiệm lập kế hoạch ứng phó sự cố

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ căn cứ vào nhóm nguy cơ tương ứng được quy định tại phụ lục I của Thông tư này để lập kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhóm nguy cơ trên địa bàn tỉnh và các quy định tại chương II của Thông tư này để lập kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh, trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt theo quy định.

Điều 5. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố

1. Yêu cầu đối với hồ sơ trình phê duyệt

[...]