BỘ
VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
122/CTPH-BVHTTDL-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2016
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC
TRONG VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯ VIỆN VÀ ĐẨY MẠNH
CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÁC THƯ VIỆN GIAI ĐOẠN 2016-2020
Căn cứ Pháp lệnh Thư viện số
31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP
ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP
ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày
09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học
tập giai đoạn 2012-2020”;
Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày
27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt
động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ
Giáo dục và Đào tạo thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác trong việc
nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục,
học tập suốt đời trong các thư viện (sau đây viết tắt là Chương trình) giai đoạn
2016-2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tăng cường phối hợp giữa Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao năng lực, hiệu
quả quản lý nhà nước về thư viện, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng và thư viện nhà trường (gồm các học
viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường phổ thông và
trung tâm giáo dục thường xuyên).
b) Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng
hiện có của hai ngành để xây dựng các chương trình, tổ chức các hoạt động giáo
dục thông qua hệ thống thư viện công cộng và thư viện nhà trường.
c) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,
luân chuyển, phục vụ sách, báo của các thư viện công cộng đến thư viện nhà trường
nhằm hình thành thói quen đọc sách và nâng cao ý thức tự học, rèn luyện tính chủ
động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện của người
học; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phục vụ nhu cầu học tập
suốt đời của người dân.
d) Phối hợp giải quyết, khắc phục những
khó khăn, hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động
thư viện nhà trường.
2. Yêu cầu
- Chương trình phối hợp phải được cụ
thể hóa bằng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu
quả.
- Định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết
việc thực hiện chương trình, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
II. PHẠM VI PHỐI HỢP
Chương trình này quy định việc phối hợp
công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong
các hoạt động quản lý nhà nước về thư viện, xây dựng các hoạt động, chương
trình giáo dục thông qua thư viện và tổ chức luân chuyển, tuyên truyền, phục vụ
sách báo của các thư viện công cộng tới các thư viện nhà trường giai đoạn
2016-2020.
III. NGUYÊN TẮC PHỐI
HỢP
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mỗi Bộ theo quy định của pháp luật và nội dung Chương trình này.
2. Bảo đảm phát huy vai trò trách nhiệm
của mỗi bên, đề cao sự chủ động hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải
quyết công việc.
3. Phát huy thế mạnh về cơ sở vật chất
của thư viện nhà trường và vốn tài liệu của các thư viện công cộng, đẩy mạnh
các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, phát triển văn hóa đọc trong nhà
trường và cộng đồng.
IV. NỘI DUNG VÀ
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
1. Nội dung phối hợp:
a) Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn
thực hiện các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện;
b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hướng
dẫn nghiệp vụ thư viện cho cán bộ thư viện; triển khai các hoạt động tuyên truyền,
phục vụ sách, báo, khuyến khích đọc sách, nâng cao các kỹ năng hướng dẫn khai
thác, tìm kiếm thông tin cho học sinh, sinh viên;
c) Tổ chức khảo sát, kiểm tra việc thực
hiện nội dung Chương trình phối hợp tại các thư viện công cộng và thư viện nhà
trường ở các địa phương;
d) Xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn
thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thư viện
nhà trường;
đ) Đề xuất, kiến nghị với Chính phủ,
các Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để tăng cường các hoạt
động phối hợp giữa hai ngành, đẩy mạnh các hoạt động học tập
suốt đời trong thư viện nhà trường tại địa phương;
e) Tạo cơ chế giúp các thư viện nhà
trường và thư viện công cộng trong cùng một khu vực cộng đồng dân cư có thể hợp
tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, kinh
nghiệm quản lý, nguồn nhân lực...
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch:
a) Chỉ đạo Vụ Thư viện xây dựng kế hoạch
và tổ chức triển khai Chương trình, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong
xây dựng các văn bản quy định về quy chế, tiêu chuẩn, chế độ báo cáo thống kê
hoạt động thư viện nhà trường;
b) Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương bảo đảm nguồn sách, báo luân chuyển
từ thư viện công cộng ở địa phương đến thư viện nhà trường; phối hợp triển khai
các hoạt động tuyên truyền, phục vụ sách báo; xây dựng quy chế khung về việc
luân chuyển sách báo từ các thư viện cấp tỉnh, cấp huyện tới thư viện nhà trường;
c) Chủ trì biên soạn tài liệu hướng dẫn
tổ chức các hoạt động đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong các thư viện nhà trường; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hướng
dẫn nghiệp vụ thư viện cho nhân viên thư viện nhà trường;
d) Chủ động đề xuất nội dung, giải
pháp, huy động nguồn lực địa phương, xã hội hóa để tăng cường các hoạt động
tuyên truyền, phục vụ đọc sách, báo của thư viện nhà trường, phát triển văn hóa
đọc trong nhà trường và cộng đồng.
3. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào
tạo:
a) Chỉ đạo Vụ
Giáo dục thường xuyên phối hợp với các đơn vị thuộc bộ xây dựng kế hoạch và tổ
chức triển khai thực hiện Chương trình;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ
Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chương trình;
c) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các
địa phương đổi mới hoạt động của thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà
trường bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực của thư viện nhà trường, phối hợp cùng
các thư viện công cộng triển khai thực hiện các hoạt động trong Chương trình
này; tạo điều kiện cho nhân viên thư viện nhà trường tham dự các lớp tập huấn về
nghiệp vụ thư viện; thực hiện chế độ báo cáo thống kê về hoạt động thư viện nhà
trường theo quy định;
d) Tổ chức triển khai tập huấn nội
dung hướng dẫn sử dụng thư viện, giới thiệu sách, phương
pháp đọc sách tại các nhà trường; tổ chức các giờ học ngoại khóa tại các thư viện
công cộng; triển khai thí điểm ở từng cấp học, rút kinh nghiệm và triển khai đại
trà, đồng thời chuẩn bị tích cực các điều kiện hỗ trợ thực hiện;
đ) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch xây dựng cơ chế, chính sách để các thư viện nhà trường hoạt động có
hiệu quả, bền vững.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc
trong việc phối hợp, thống nhất triển khai nội dung Chương
trình.
2. Giao Vụ Thư viện và Vụ Giáo dục
thường xuyên là hai đơn vị đầu mối của hai Bộ trong phối hợp công tác. Căn cứ
nhiệm vụ của mỗi bên, hai đơn vị đầu mối có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể
hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
3. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được giao, kế hoạch phối hợp hàng năm đã được phê duyệt để tổ chức thực hiện có
hiệu quả Chương trình phối hợp này.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở
Văn hóa và Thể thao và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của
Chương trình phối hợp công tác tại địa phương. Định kỳ 06 tháng/lần báo cáo kết
quả thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo để
phục vụ công tác tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện.
5. Định kỳ 06 tháng/lần, Lãnh đạo đơn
vị đầu mối của hai Bộ có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin,
góp ý về các vấn đề có liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra,
đôn đốc triển khai các hoạt động; tổng hợp tình hình triển
khai theo kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện Chương
trình.
6. Hàng năm, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
họp sơ kết, tổng kết để kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện
Chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch cho năm sau.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Kinh phí triển khai, tổ chức thực hiện
Chương trình này do mỗi Bộ tự đảm bảo theo quy định hiện hành.
VII. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
1. Chương trình phối hợp này có hiệu
lực kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, hai bên cùng trao đổi, thống nhất
cách giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Phạm Vũ Luận
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Hoàng Tuấn Anh
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo
cáo);
- Phó TTgCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Lãnh đạo Bộ VHTTDL;
- Lãnh đạo Bộ GDĐT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị liên quan (để thực hiện);
- UBND các tỉnh/thành (để phối hợp);
- Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, TP (để thực hiện);
- Sở GDĐT các tỉnh, TP (để thực hiện);
- Lưu: VT (Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL), Vụ TV, Vụ GDTX, QL230.
|