Chương trình hành động 899/CTr-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 899/CTr-UBND
Ngày ban hành 09/05/2022
Ngày có hiệu lực 09/05/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 899/CTr-UBND

Gia Lai, ngày 09 tháng 5 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT VỀ PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG, TĂNG CƯỜNG SINH KẾ, NÂNG CAO TỶ LỆ CHE PHỦ RỪNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xây dựng Chương trình hành động cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Nghị quyết. Nắm rõ các nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tế.

Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, đơn vị trong triển khai Nghị quyết đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Nêu cao vai trò các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; các nội dung cụ thể về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ gắn với tình hình thực tế địa phương, đơn vị; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và tiến độ thực hiện.

Việc triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ phải được thực hiện liên tục và đồng bộ từ tỉnh, huyện, xã, thôn bản, các chủ rừng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành, các đơn vị chủ rừng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả, thường xuyên; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Nhóm nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

- Phân định ranh giới, tổ chức quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng 645.370,6 ha hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng thiết lập lâm phần ổn định, tăng cường tính kết nối các hệ sinh thái có giá trị bảo tồn, phòng hộ môi trường. Đối với rừng sản xuất rà soát, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu và tài nguyên rừng; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và phát triển hệ thống rừng trồng gỗ lớn có năng suất và chất lượng cao.

- Đối với tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rùng sản xuất: Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy để quản lý diện tích rừng được giao phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rùng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ rừng tự nhiên, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

- Nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75%; đến năm 2030 đạt 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích).

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên đến năm 2030 đạt 24.000 lượt ha, bình quân 2.400 lượt ha/năm, cụ thể: giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9.000 lượt ha (khoanh nuôi mới 3.000 ha, chuyển tiếp 6.000 lượt ha); giai đoạn 2026 - 2030 đạt 15.000 lượt ha (khoanh nuôi mới 2.000 ha, chuyển tiếp 13.000 lượt ha).

- Công tác trồng rừng đến năm 2025 đạt 40.000 ha, trong đó ít nhất 10.000 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Đến năm 2030, tiếp tục trồng rừng mới và trồng rừng luân canh 40.000 ha trong đó ít nhất 15.000 ha rừng gỗ lớn, tiếp tục chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn; thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, triển khai trồng cây xanh phân tán ở các đô thị và vùng nông thôn và trồng tập trung trong rừng phòng hộ, sản xuất. Quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tối ưu hóa sản xuất để chế biến gỗ lớn từ các loại gỗ rừng trồng có sinh khối nhanh, đảm bảo nhu cầu và hiệu quả đầu tư.

- Thực hiện cập nhật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp theo quy định Thông tư số 33/2018/TT-BNN ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm sản.

- Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân để phát triển sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh và khu vực.

1.2. Nhóm nhiệm vụ tăng cường sinh kế và ứng dụng khoa học công nghệ

- Thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng đối với diện tích 219.246 ha rừng và đất lâm nghiệp hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Đến năm 2030, đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý thực sự.

- Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng; tăng cường trồng rừng các loài cây giá trị kinh tế cao gắn với các hệ thống nông lâm kết hợp. Hỗ trợ cấp Chứng chỉ rừng cho một số Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt 30.000ha, đến năm 2030 đạt 80.000ha. Khai thác lâm sản trong rừng trồng, đến năm 2025, sản lượng khai thác đạt trên 1.000.000m3, bình quân 150.000m3 đến 300.000m3/năm; đạt trên 1.800.000m3 trong giai đoạn 2025-2030.

- Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ và giám sát tài nguyên rừng; phát triển hạ tầng lâm nghiệp gắn với sản xuất lâm nghiệp, các loại hình dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương đồng bộ với hạ tầng nông thôn.

[...]