Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 552/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 552/KH-UBND
Ngày ban hành 06/10/2022
Ngày có hiệu lực 06/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 552/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 06 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 -2025; Quyết định số 2879/QĐ-BNN-TCLN ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 -2025. Nhằm triển khai việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất.

- Đảm bảo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, bền vững trên cơ sở quản lý, bảo vệ phát triển, sử dụng bền vững rừng và diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút nguồn lực đầu tư vào lâm nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân làm nghề rừng, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các định hướng và giải pháp thực hiện đến các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, đơn vị liên quan nhằm tạo đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai, thực hiện.

- Trên cơ sở nội dung định hướng, giải pháp của Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng, giải pháp đã đặt ra.

- Đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thường xuyên.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5%/năm.

- Thực hiện cơ cấu 3 loại rừng theo Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/202; đến năm 2025, diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh khoảng 142.465 ha, trong đó: Rừng đặc dụng khoảng 13.688 ha, rừng phòng hộ khoảng 20.599 ha, rừng sản xuất khoảng 108.178 ha, theo hướng giảm diện tích rừng sản xuất, tăng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, đảm bảo phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 37,5%.

- Ổn định vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất); hàng năm trồng khoảng 8.000 ha rừng trồng tập trung và khoảng 6 triệu cây phân tán, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng hàng năm; lũy kế đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 17.000 ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (do tổ chức quốc tế FSC hoặc Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam cấp) đạt 12.500 ha; đến năm 2025, năng suất bình quân rừng trồng sản xuất đạt khoảng 22 m3/ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m3, trong đó 40% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2025 tăng 20% so với năm 2020.

- Phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó phát triển công nghiệp chế biến và lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm mới có giá trị tăng cao; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2025 đạt khoảng 3.500 tỷ.

- Nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người dân tộc làm nghề rừng tăng 1,5 lần so với năm 2020.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của UBND tỉnh Bắc Giang đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức cá nhân có liên quan; nhất là các chủ rừng là tổ chức, như: Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp...

b) Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp về các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, đa dạng sinh học của rừng; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng dân cư, nhất là người dân làm nghề rừng, sống ở gần rừng, ven rừng.

2. Tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển lâm nghiệp

a) Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ

- Về bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng hiện có:

[...]