Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 307/KH-UBND
Ngày ban hành 15/09/2022
Ngày có hiệu lực 15/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/KH-UBND

Lào Cai, ngày 15 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), UBND tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, Nghị quyết, Đề án, chính sách của Trung ương, của Tỉnh về lĩnh vực lâm nghiệp đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để đạt các mục tiêu: Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đề án số 01 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng tỉnh Lào Cai gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Yêu cầu

Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phải bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Chính sách của Nhà nước; đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Xác định rõ việc triển khai thực hiện thành công Chương trình là nhiệm vụ của các sở ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành lâm nghiệp tỉnh; Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án thực hiện Chiến lược đảm bảo hiệu quả, thường xuyên. Duy trì, thực hiện tốt chế độ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện Chương trình góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững; tăng tỷ lệ che phủ rừng gắn với phát huy tối đa giá trị tài nguyên rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; gia tăng các dịch vụ rừng, cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị lâm sản, gắn phát triển vùng nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng; từng bước đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng của tỉnh, trong đó giữ vững ổn định diện tích rừng tự nhiên; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 60% vào năm 2025.

Tiếp tục nâng cao diện tích, năng suất, chất lượng rừng trồng đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường. Hình thành vùng nguyên liệu theo hướng tiêu chuẩn gắn với hệ thống cơ sở chế biến, phấn đấu ít nhất 15.500 ha quế đạt chứng chỉ hữu cơ đthu hút, kêu gọi đầu tư cơ sở chế biến tinh, chế biến sâu.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá hiện hành của giai đoạn bình quân đạt trên 12% /năm. Tăng giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ, tăng tỷ trọng chế biến sâu, xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao.

Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho trên 20.000 lao động ổn định và 30.000 lao động mùa vụ tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

a) Quản lý rừng

Thực hiện quy hoạch lâm nghiệp tích hợp trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quản lý tốt quy hoạch lâm nghiệp; phân định rõ ranh giới rừng giữa các chủ rừng; trong đó tổ chức rà soát diện tích rừng và đất rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ khoa học vào quản lý rừng.

Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên; tiếp tục thực hiện chuyển đổi quy hoạch lâm nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm ổn định khoảng 396.627 ha, trong đó: Diện tích rừng đặc dụng 64.452 ha; rừng phòng hộ 148.635 ha; rừng sản xuất 183.540 ha1.

b) Bảo vệ rừng

Bảo vệ tốt diện tích 378.310,6 ha rừng hiện có và diện tích rừng tăng trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên.

Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, UBND các xã trong công tác bảo vệ rừng nói riêng và toàn thể người dân tỉnh nói chung; huy động tối đa nguồn lực toàn xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

c) Bảo tồn đa dạng sinh học

Tổ chức quản lý chặt chẽ và giữ ổn định toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp. Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học cho diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng. Nâng cấp các Khu Bảo tồn thiên nhiên của tỉnh để thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ rừng và phát triển rừng.

[...]