Chương trình hành động 687/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 687/CTr-UBND
Ngày ban hành 23/01/2024
Ngày có hiệu lực 23/01/2024
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Võ Ngọc Hiệp
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 687/CTr-UBND

Lâm Đồng, ngày 23 tháng 01 năm 2024

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CANH TRANH QUỐC GIA NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 02/NQ-CP); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

a) Tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

b) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc tạo lập, cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

c) Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công cụ thể nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 theo Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 228/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh; bám sát chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy là “Trách nhiệm - Nêu gương - Kỷ cương - Hiệu quả”.

2. Yêu cầu:

a) Nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

b) Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện để triển khai Nghị quyết số 02 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đảm bảo triển khai một cách kịp thời, đồng bộ, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

c) Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; xây dựng nền hành chính tỉnh Lâm Đồng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và mục tiêu cụ thể năm 2024 về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu điểm chỉ số “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI” năm 2024 bằng và cao hơn năm 2023; thuộc 20 tỉnh, thành có điểm chỉ số được đánh giá ở mức khá trở lên, duy trì các điểm số đã đạt được cao hơn mức trung vị cả nước

b) Tiếp tục phấn đấu giải quyết 100% đúng hạn, trong đó giải quyết trước thời hạn tăng 15% so với năm 2023 tất cả thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đơn giản hóa về quy trình, phương thức giải quyết các thủ tục hành chính;

c) Tiếp tục cắt giảm các chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tổng số số hồ tiếp nhận và xử lý qua dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 3, cấp độ 4 phấn đấu tăng 15% so với năm 2024.

d) Tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh:

a) Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công:

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện TTHC, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai của người dân, doanh nghiệp.

- Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh và đề xuất, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết liên quan đến lĩnh vực ngành, địa phương quản lý.

- Công khai, minh bạch thông tin theo quy định, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương bằng nhiều hình thức.

[...]