Chương trình hành động 5806/CTHĐ-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động 10-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025

Số hiệu 5806/CTHĐ-UBND
Ngày ban hành 16/08/2021
Ngày có hiệu lực 16/08/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Văn Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5806/CTHĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 16 tháng 8 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 50/NQ-CP NGÀY 20/5/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG; CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 10-CTR/TU NGÀY 24/5/2021 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI NHIỆM KỲ 2020-2025.

Để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ); Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy) gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; căn cứ yêu cầu phát triển và tình hình thực tế địa phương, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện cụ thể, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

1.1. Quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 205/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

1.2. Chương trình hành động của UBND tỉnh thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể nhằm thực hiện đảm bảo các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và các nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2021 và phù hợp với bối cảnh, tình hình chung của quốc tế, quốc gia và địa phương.

2. Yêu cầu:

2.1. Chương trình hành động của UBND tỉnh là căn cứ để các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý của sở, ban, ngành và địa phương; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, khoa học và hiệu quả, nỗ lực phân đâu đạt hiệu quả cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, trong đó: (1) Phấn đấu đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của cả nước; (2) Đến năm 2030, là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp ngân sách Trung ương; (3) Đến năm 2045, tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045 được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2.2. Trong quá trình thực hiện, yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, quán triệt phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.

2.3. Huy động toàn bộ các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ, nhất quán, quyết liệt, thực chất, sát với yêu cầu phát triển, điều kiện thực tiễn; tự lực, tự cường, kịp thời vượt qua những khó khăn, thách thức và bất lợi để đạt được hiệu quả cao nhất.

II. Nhiệm vụ chủ yếu:

1. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

1.1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

1.2. Thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong ngay từ những tháng, năm đầu của nhiệm kỳ; tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển trong cả nhiệm kỳ; tăng cường phòng, chống và xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh kéo dài, ứng phó với biến đổi khí hậu,...

2. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số, tận dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

2.1. Quy hoạch phát triển vùng, các ngành, lĩnh vực:

a) Xây dựng và triển khai thực hiện những quy hoạch lớn, như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch sử dụng đất tỉnh thời kỳ 2021-2030 và một số quy hoạch vùng của các huyện, thành phố; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, phê duyệt quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc.

b) Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm trên 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tăng cường liên kết, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng vùng, tạo sức mạnh chung của nền kinh tế.

c) Xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển, rút ngắn thời gian và khoảng cách kết nối với vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Huy động các nguồn lực để triển khai các dự án, công trình trọng điểm có tác động lan tỏa, như: dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, các tuyến đường quốc lộ,...

d) Phát triển đô thị phù hợp, gắn với xu hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị cảnh quan, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị; xây dựng và mở rộng thành phố Đà Lạt phát triển hài hoà, hiện đại, có kiến trúc độc đáo, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; xây dựng thành phố Bảo Lộc hiện đại, có đặc trưng riêng của thành phố cao nguyên (đạt tiêu chí đô thị loại 2); Đức Trọng trở thành thị xã (đạt tiêu chí đô thị loại 3).

2.2. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới:

a) Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống nhà kính, nhà lưới, góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

b) Phát triển mạnh kinh tế nông thôn (đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số); xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường,...để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước năm 2025; trong đó: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đơn Dương và Đạ Tẻh là huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

c) Bố trí, sắp xếp lại một số cây trồng chính, có lợi thế và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn; mở rộng diện tích sản xuất rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả,... phát triển mạnh cá nước lạnh và những sản phẩm cao cấp; mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn kết nối chuỗi liên kết giữa sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng giá trị xuất khẩu hàng năm từ 1,5 - 2 tỷ USD; duy trì diện tích sản xuất cây lương thực, giảm các diện tích cây trồng kém hiệu quả (cà phê, chè, điều,...).

d) Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế. Phát triển thương hiệu sản phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng nhanh tỷ lệ nông sản được dán nhãn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong phân phối, tiêu thụ nông sản.

đ) Mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình về Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung trên cơ sở phát triển các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, dự án đầu tư với quy mô lớn, quy trình sản xuất khép kín và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, giảm giá thành và kiểm soát dịch bệnh.

e) Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác; mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác và các chuỗi giá trị với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”.

[...]