Chương trình 59/CT-BCĐTWXDNTM công tác năm 2012 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

Số hiệu 59/CT-BCĐTWXDNTM
Ngày ban hành 31/05/2012
Ngày có hiệu lực 31/05/2012
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 59/CT-BCĐTWXDNTM

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2012

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2012

CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

I. NHỮNG CÔNG VIỆC CHỈ ĐẠO CHUNG

1. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách và xây dựng văn bản hướng dẫn

a) Các Bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn thiếu; đồng thời, rà soát bổ sung sửa đổi các quy định, hướng dẫn đã có để phù hợp với thực tiễn xây dựng nông thôn mới (như cơ chế, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản; thủ tục, quy trình thanh quyết toán các nguồn vốn của Chương trình theo hướng đơn giản).

b) Các Bộ, ngành Trung ương chậm nhất trong tháng 7 năm 2012 hoàn thành các văn bản hướng dẫn, công việc, cụ thể như sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bổ sung hướng dẫn về quy trình, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng đơn giản hóa; cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã.

- Bộ Tài chính: Điều chỉnh thủ tục giải ngân, thanh, quyết toán phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tự thực hiện và chủ động giám sát.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đối với một số tiêu chí cần thiết; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành điều chỉnh thông tư hướng dẫn thực hiện các tiêu chí khác cho phù hợp.

+ Hoàn thiện Bộ tài liệu xây dựng nông thôn mới dùng cho đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; bổ sung, cập nhật, ban hành “Sổ tay” hướng dẫn xây dựng nông thôn mới cấp xã; biên soạn Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu sản xuất phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn xã.

- Bộ Xây dựng: Bổ sung hướng dẫn tiêu chí nhà ở nông thôn, phù hợp với bản sắc văn hóa các dân tộc và phù hợp với điều kiện sống văn minh; hướng dẫn về quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch.

- Bộ Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn thực hiện quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020.

- Bộ Y tế: Hướng dẫn thực hiện Đề án Phát triển y tế nông thôn.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giai đoạn 2013 - 2020.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Khẩn trương trình Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo.

- Bộ Nội vụ: Hướng dẫn về chính sách thu hút, khuyến khích trí thức trẻ về công tác ở nông thôn; nghiên cứu đánh giá các mô hình tổ chức bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện để đề xuất hình thức tổ chức phù hợp.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

a) Các Bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức trong Đảng và trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới… để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ: (i) Đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài, thường xuyên và liên tục trong nông thôn, không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; (ii) xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ thể, người dân phải nhận thức đúng và chủ động tham gia thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới thành công, Nhà nước có vai trò hỗ trợ; (iii) gắn ưu tiên chỉ đạo điểm với triển khai đồng loạt trên diện rộng ở tất cả các xã.

b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du dịch chỉ đạo xây dựng các chương trình nghệ thuật, các tiểu phẩm tuyên truyền về phong trào nông thôn mới, chỉ đạo các chương trình văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao trong nông dân.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền hình tăng thời lượng các chuyên mục về xây dựng nông thôn mới (trong đó tăng nội dung về kinh nghiệm những địa phương làm tốt, những mô hình hay, những gương điển hình tiên tiến).

d) Định kỳ 3 tháng một lần, Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức họp báo để trao đổi thông tin về tình hình xây dựng nông thôn mới trong cả nước.

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động cuộc thi “Giải báo chí Quốc gia viết về xây dựng nông thôn mới”.

e) Các Bộ, ngành tổ chức phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mỗi đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức đều tham gia và đăng ký thực hiện một loại công việc cụ thể góp phần vào xây dựng nông thôn mới.

3. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản

a) Các Bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình đào tạo công chức xã (đề án theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các chuyên đề và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới phù hợp với cấp xã, huyện, tỉnh; tập huấn cho khoảng 1.000 giảng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để làm nòng cốt tập huấn cho cán bộ cấp xã, thôn, bản; chỉ đạo các địa phương ưu tiên tập huấn để nhân rộng những mô hình, điển hình thành công, nhất là cách làm, các phong trào xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện cụ thể và lợi thế sản xuất của từng nơi.

4. Tập trung chỉ đạo cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch và lập Đề án xây dựng nông thôn mới ở các xã

[...]