Chương trình 363/CTr-TLĐ về hành động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 363/CTr-TLĐ
Ngày ban hành 15/03/2011
Ngày có hiệu lực 15/03/2011
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 363/CTr-TLĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2011

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ XI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội có ý nghĩa trọng đại, định hướng cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng trong các cấp Công đoàn và cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (sau đây gọi chung là người lao động), góp phần đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng vào cuộc sống, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

- Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đến các cấp Công đoàn và người lao động; vận dụng sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng trong công nhân, viên chức, lao động và các cấp Công đoàn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Chủ động tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

2. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015

- Hàng năm có 100% công đoàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; trên 90% doanh nghiệp nhà nước tổ chức đại hội công nhân, viên chức; trên 60% số công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; đến năm 2015, có 80% trở lên số công đoàn cơ sở doanh nghiệp đại diện công nhân, lao động ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó có trên 50% số thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động.

- Tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở phấn đấu đến năm 2015, nâng cao tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghề nghiệp lên 60%; 100% cán bộ công đoàn các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác công đoàn.

- Tham gia với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phấn đấu đến năm 2015 có 70% trở lên số công nhân, lao động được tham gia bảo hiểm xã hội; trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, giảm 10% số người mắc mới bệnh nghề nghiệp.

- Đến năm 2015, có 80% số doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam thành lập được công đoàn cơ sở (nhất là doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên) và tập hợp được từ 70% trở lên người lao động trong doanh nghiệp gia nhập công đoàn.

- Hàng năm có trên 80% công đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và 40% công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tiêu chuẩn “công đoàn cơ sở vững mạnh”, có 10% đạt tiêu chuẩn “công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc”.

- Hàng năm, trung bình mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 công nhân lao động ưu tú để cấp ủy Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức triển khai học tập, quán triệt sâu sắc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty và các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động đến cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả; trên cơ sở nắm vững quan điểm, nội dung của Nghị quyết gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kiến thức pháp luật cho người lao động, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

- Tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp quan tâm giáo dục, đào tạo, phát triển công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc để người lao động có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, luôn phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, phấn đấu vươn lên trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW trong đoàn viên và người lao động, chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước xây dựng, thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công nhân, đầu tư mạnh hơn cho đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ nông dân, công nhân nữ, nhằm phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động để nâng cao hiểu biết pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục đối với người lao động ; chú trọng các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của công nhân lao động, nhất là công nhân lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân.

- Sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng của tổ chức Công đoàn và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về tổ chức Công đoàn, nhất là về những kinh nghiệm, gương điển hình tiên tiến trong người lao động.

3. Chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

[...]