Chương trình 22/CTr-UBND năm 2021 về hành động thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 22/CTr-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CTr-UBND

Lào Cai, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16-NQ/TU, NGÀY 01/10/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 08/12/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 01/10/2021. UBND tỉnh Lào Cai ban hành Chương trình hành động thực hiện với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các sở, ngành tổ chức quán triệt, triển khai, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành và nhân dân thành phố Lào Cai về tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của thành phố Lào Cai.

3. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, tập trung, thống nhất, kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh đối với việc huy động và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển toàn diện thành phố Lào Cai.

4. Phấn đấu một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 16%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 115.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người 180 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người 125 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 5 triệu lượt khách; tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 80%; dân số (quy đổi) đạt 350.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 90%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các phường đạt 97%, tại các xã đạt 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 50%.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 16%/ năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 230.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người 315 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người 186 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 17.000 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 10 triệu lượt khách; mở rộng đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt 90%; dân số (quy đổi) đạt 500.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 95%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các phường đạt 100%, tại các xã được thu gom xử lý đạt 95%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%.

- Tầm nhìn đến năm 2050: Thành phố Lào Cai là thành phố giàu đẹp, thông minh và hiện đại; là thành phố phát triển toàn diện thuộc nhóm các thành phố phát triển của cả nước.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, các sở, ngành và thành phố Lào Cai chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 09 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

- Các sở, ngành liên quan và thành phố Lào Cai khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của các sở, ngành về nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Lào Cai trong thời gian tới.

- Các sở, ngành liên quan và thành phố Lào Cai chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với quy mô sâu rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, kết hợp với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Lào Cai lần thứ XXIII.

2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng đô thị loại I, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, đối ngoại

- Hoàn thiện quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lào Cai phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, không gian thành phố phát triển theo 3 khu vực: (1) Khu vực phía Bắc: Khu kinh tế đột phá về du lịch, dịch vụ và thương mại; (2) Khu vực phía Nam: Khu trung tâm hành chính - kinh tế; (3) Khu vực ven đô, ngoại thị: Khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với dịch vụ du lịch.

- Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững: Xây dựng cơ sở dữ liệu số về quản lý quy hoạch - xây dựng - phát triển đô thị; tập trung phủ kín quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, hoàn thiện các công cụ quản lý (quy chế, quy chuẩn, chương trình phát triển đô thị...) để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch, đô thị; huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đối với các đồ án, công trình quy mô lớn; tích hợp các quy hoạch chung, chuyên ngành, chi tiết vào quy hoạch chung của thành phố, bảo đảm công tác quy hoạch đi trước một bước để kiểm soát phát triển đô thị; từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch - đô thị; kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch; nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường; duy trì và phát triển nét đặc trưng riêng của một đô thị phát triển xanh, thể hiện hình ảnh “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng”, phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất 03 - 05 công viên, khu sinh hoạt cộng đồng; xây dựng không gian của thành phố “đẹp mọi nơi - sạch mọi chỗ”.

- Phát triển đô thị thành phố Lào Cai gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Trước năm 2025, nâng cấp mở rộng đạt các tiêu chí về hạ tầng đô thị loại I. Tập trung phát triển đô thị dọc hai bên sông Hồng là điểm nhấn đặc biệt của thành phố; xây dựng hạ tầng bên bờ sông Hồng là khu đô thị đối ngoại khang trang, hiện đại với những nét đặc trưng riêng. Mở rộng không gian đô thị, thực hiện giải pháp hiệu quả tăng quy mô, chất lượng dân số phù hợp; đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I. Xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị chính quyền đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025, nhân rộng ra toàn thành phố sau năm 2025.

- Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, có tính kết nối thành phố với khu vực, đồng thời có tác động lan tỏa liên kết phát triển vùng; hoàn thành các dự án trọng điểm như kẻ dọc hai bờ sông Hồng, các cầu qua sông Hồng, thủy điện trên sông Hồng, kết nối đường sắt quốc tế khổ 1,435m, giai đoạn hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, nâng cấp các tuyến đường tới các huyện, thị xã, các dự án đô thị. Phát triển hệ thống giao thông đô thị bảo đảm tính thống nhất, cân đối, đồng bộ, liên hoàn với mạng lưới giao thông Vùng, quốc gia và quốc tế. Phát triển vận tải đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, bảo đảm hiện đại, an toàn, tiện lợi. Phát triển hệ thống giao thông tĩnh và giao thông tiếp cận cho người khuyết tật. Bảo đảm đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định.

- Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

3. Tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ, du lịch - thương mại là mũi nhọn, chiếm tỷ trọng chủ yếu; công nghiệp lù trụ cột, thu hút nguồn nhân lực; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là quan trọng

- Phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Lào Cai gắn kết chặt chẽ với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, có tính đến yếu tố mở rộng địa giới của thành phố Lào Cai. Trong đó, tập trung thực hiện: (1) Hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng và đầu tư Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai dọc tuyến Kim Thành - Ngòi Phát, kết nối liên hoàn với Khu vực Logistics, Cầu biên giới Bản Vược; (2) Đẩy mạnh tiến độ hình thành Khu hợp tác kinh tế biên giới, hình thành Trung tâm logistics hiện đại tầm khu vực; thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập trung phát triển mạnh các dịch vụ ở cửa khẩu như dịch vụ tài chính, ngân hàng, các dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Xây dựng các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh sản phẩm đạt tiêu chuẩn, mô hình quản lý hiệu quả, văn minh.

- Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành điểm kết nối du lịch quan trọng của Vùng và quốc gia; kết nối với khu du lịch quốc gia Sa Pa, khu du lịch Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà. Tập trung xây dựng thành phố Lào Cai là điểm đến hấp dẫn: Thu hút khuyến khích đầu tư xây dựng các khách sạn, cơ sở lưu trú, các trung tâm mua sắm hiện đại, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục với kiến trúc hiện đại có quy mô lớn đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và của Vùng; phát triển hệ thống công viên cây xanh, rừng cảnh quan sinh thái với không gian rộng lớn, thiết kế đẹp tạo điểm nhấn đô thị, hình thành đô thị xanh - sinh thái; đầu tư, khai thác du lịch trên sông Hồng, quần thể du lịch tâm linh - tín ngưỡng - di tích lịch sử gắn với du lịch cửa khẩu quốc tế. Thực hiện đề án phát triển kinh tế đêm; bảo đảm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm về đêm, nhất là các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, gắn với thế mạnh của địa phương, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Tiếp tục quản lý, khai thác và mở rộng dịch vụ Casino với quy mô lớn và chất lượng cao nhằm thu hút du khách quốc tế.

- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin, ưu tiên các ngành ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm thu hút nhiều lao động. Xây dựng cơ chế quản lý, thu hút đầu tư, sắp xếp lại hoạt động các khu, cụm công nghiệp bảo đảm hợp lý, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững gắn với nâng cao đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn vùng cao, tập trung rút ngắn khoảng cách mức sống giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Chú trọng chuyển đổi nghề của nông dân sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Hình thành các vùng chuyên canh quy mô hàng hóa, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP; phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái; bảo đảm kết nối không gian Vùng sinh thái phía Tây Nam của tỉnh. Tập trung hỗ trợ sản xuất thông qua doanh nghiệp, có cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp. Hình thành trung tâm chế biến sản phẩm nông sản chất lượng cao. Làm tốt công tác bảo vệ, khai thác hợp lý tiềm năng rừng cảnh quan.

4. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội

[...]