Chương trình 03/CTr-UBND về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023

Số hiệu 03/CTr-UBND
Ngày ban hành 07/02/2023
Ngày có hiệu lực 07/02/2023
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CTr-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Với mục tiêu kiềm chế số vụ cháy, nổ làm giảm hẳn các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, UBND Thành phố ban hành Chương trình công tác PCCC và CNCH năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết của Quốc hội; Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành trong thời gian vừa qua về công tác PCCC và CNCH.

b) Thủ trưởng các đơn vị thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC và CNCH đảm bảo công tác an toàn về PCCC đối với trụ sở cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC đến toàn thể cán bộ, công chức; đưa công tác phổ biến giáo dục, pháp luật về PCCC vào sinh hoạt thường xuyên và định kỳ tại đơn vị.

2. Yêu cầu: Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời xác định rõ nội dung công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp... đảm bảo việc tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình thực hiện phải lồng ghép phù hợp với công tác chuyên môn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Bảo đảm tuyệt đối an toàn PCCC, CNCH các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, ngoại giao, các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn Thành phố, trọng tâm là: các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, kỳ họp Quốc hội khóa XV; các lễ hội, sự kiện đầu năm Quý Mão 2023... Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan tham gia diễn tập phương án khu vực phòng thủ năm 2023.

2. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; trình độ, kỹ năng, khả năng PCCC và CNCH tới sâu rộng các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của người dân trong việc tự bảo vệ cho chính mình, từ đó tham gia bảo vệ cho người thân và cộng đồng; củng cố xây dựng lực lượng, phương tiện PCCC và CNCH tại địa bàn, cơ sở nhằm đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ”; xây dựng các mô hình an toàn cháy, nổ, CNCH cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố... Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày toàn dân tham gia PCCC (04/10).

3. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra liên ngành; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở phải thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật.

4. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác chữa cháy, CNCH. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn Thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy, đồng thời kiến nghị các ngành chức năng, các cấp chính quyền giải tỏa kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây bục bệ, cầu dẫn, dựng barie, hàng rào, treo bảng, biển... gây cản trở hoạt động chữa cháy và CNCH; phối hợp điều tra, khảo sát và cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn nước chữa cháy đối với các trụ nước chữa cháy, nguồn nước tự nhiên, bể nước trên ứng dụng Google maps.

5. Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH. Bố trí phù hợp lực lượng PCCC và CNCH ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong công tác PCCC, CNCH và chất lượng phục vụ nhân dân của CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

6. Tiếp tục rà soát lại quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012, kết hợp với xây dựng quy hoạch hạ tầng PCCC và CNCH theo Quyết định số 2231/QĐ-TTg, ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 09/7/2020 của UBND Thành phố về thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 27/5/2021 của UBND Thành phố về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa nghiệm thu đã đưa vào hoạt động; Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 13/01/2023 của UBND Thành phố về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH trong dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn và hằng năm. Quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, hiện đại hóa phương tiện PCCC và CNCH nhằm đáp ứng khả năng chữa cháy và CNCH, đặc biệt là chữa cháy và CNCH đối với 05 loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng (cháy nhà cao tầng, cháy trong hầm ngầm, cháy trên sông, cháy hóa chất và cháy rừng). Tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, cơ sở để huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC và CNCH đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

9. Thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới trong PCCC và CNCH với các nước. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác PCCC và CNCH; xây dựng chế độ, chính sách thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp trang thiết bị về PCCC và CNCH. Huy động các nguồn lực xã hội; nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ để đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác PCCC và CNCH.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an Thành phố

a) Là cơ quan thường trực, phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố triển khai, thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố theo các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện các Kế hoạch của UBND Thành phố trong công tác PCCC và CNCH.

b) Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; trình độ, kỹ năng, khả năng PCCC, CNCH tới sâu rộng các tầng lớp nhân dân; củng cố xây dựng lực lượng, phương tiện PCCC và CNCH tại địa bàn, cơ sở nhằm đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày toàn dân PCCC” (04/10).

c) Tăng cường công tác điều tra cơ bản, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn, cơ sở, kịp thời phát hiện bổ sung cơ sở mới phát sinh để đưa vào diện quản lý, theo dõi về PCCC, đảm bảo không để sót lọt cơ sở. Thường xuyên rà soát, phát hiện, thống kê các “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp về PCCC, gây bức xúc trong dư luận để tham mưu chính quyền địa phương có biện pháp cứng rắn, giải quyết dứt điểm các vi phạm về PCCC trên địa bàn.

d) Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra liên ngành; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo từng chuyên đề, lĩnh vực PCCC. Công khai các đơn vị, tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

e) Phối hợp với các cấp, ngành, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giáo dục, đào tạo và các cơ quan báo, đài thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức phong phú. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng phong trào toàn dân PCCC; nâng cao chất lượng công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến về PCCC.

f) Triển khai đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn PCCC, CNCH đối với các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, ngoại giao, các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn Thành phố.

g) Đảm bảo công tác thường trực, ứng trực sẵn sàng chiến đấu; tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, nổ, sự cố, tai nạn nhanh chóng, chính xác; kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

h) Xây dựng, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, CNCH để chủ động giải quyết, xử lý hiệu quả các vụ cháy, nổ lớn, phức tạp có thể xảy ra. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng phương án, xử lý cháy, nổ, sự cố thảm họa, cứu nạn, cứu hộ cần huy động nhiều lực lượng cấp Thành phố. Tham mưu Thành phố tổ chức diễn tập các phương án CC, CN, CH cấp Thành phố huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

[...]