Kế hoạch 273/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy 27/2001/QH10 có hiệu lực

Số hiệu 273/KH-UBND
Ngày ban hành 24/10/2022
Ngày có hiệu lực 24/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/KH-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2022/NQ-HĐND NGÀY 06/7/2022 CỦA HĐND THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC KHI LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố (sau đây viết tắt là Nghị quyết). Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây viết tắt là PCCC và CNCH); nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong công tác PCCC và CNCH; tăng cường nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.

b) Đảm bảo an toàn về PCCC, khắc phục tình trạng công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Từng bước di chuyển các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu dân cư, nơi tập trung đông người, đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng, phát triển của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Yêu cầu

a) Rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ và áp dụng biện pháp xử lý đối với 100% cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi tập trung đông người trên địa bàn Thành phố.

b) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan cần xác định rõ vai trò và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan với Công an Thành phố để việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả.

c) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố; các biện pháp, giải pháp áp dụng phải hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Nghị quyết này.

2. Tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC; phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực; xác định nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước theo từng cấp (Trung ương, Thành phố, cấp huyện) và ngoài ngân sách nhà nước; phê duyệt danh mục cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy nổ ở khu dân cư, nơi tập trung đông người phải di dời; danh mục cơ sở cần thực hiện các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn về PCCC.

3. Tổ chức Hội nghị mời các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết (có mời các đơn vị chức năng liên quan cùng tham gia để làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị gắn với từng công trình cụ thể), hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện. Yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian thực hiện. Giao các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cấp xã đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư.

4. Phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các nội dung tồn tại của cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Quá trình thực hiện cần ưu tiên khắc phục trước những nội dung tồn tại có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khi xảy ra cháy có nguy cơ cao dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

5. Giới thiệu, đề xuất, bố trí quỹ đất, phê duyệt kế hoạch, phương án di chuyển đối với các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu dân cư, nơi tập trung đông người trên địa bàn Thành phố. Quá trình thực hiện đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng, phát triển của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

6. Bố trí nguồn vốn ngân sách, phê duyệt kinh phí thực hiện đối với các dự án, công trình thuộc nguồn ngân sách nhà nước.

7. Hướng dẫn, đôn đốc cơ sở tổ chức thực hiện khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC theo quy định của Nghị quyết.

8. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động ổn định; hạn chế việc gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về PCCC theo hướng ổn định phục vụ phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức và nhân dân. Trong thời gian thực hiện cải tạo, sửa chữa hoặc chờ di chuyển, người đứng đầu cơ sở phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC.

9. Các cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết nếu không thực hiện cam kết lộ trình thực hiện khắc phục hoặc có cam kết nhưng quá thời hạn cam kết mà không hoàn thành việc khắc phục và không thực hiện các nội dung khác được quy định tại Nghị quyết thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1 (năm 2022)

a) Tổ chức tuyên truyền phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết; xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn thực hiện.

b) Tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC; phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực thuộc các sở, ban, ngành quản lý; xác định nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước theo từng cấp; phê duyệt danh mục cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết, trong đó, cần lưu ý các tiêu chí:

- Cơ sở có khả năng khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC đảm bảo theo các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hiện hành.

- Cơ sở không có khả năng khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC đảm bảo theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hiện hành cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật về PCCC bổ sung, tăng cường theo quy định tại Nghị quyết.

- Cơ sở thuộc loại hình kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư, nơi tập trung đông người không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.

[...]