Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2016 về phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” do tỉnh Gia Lai ban hành
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/04/2016 |
Ngày có hiệu lực | 05/04/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Gia Lai |
Người ký | Võ Ngọc Thành |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Gia Lai, ngày 05 tháng 4 năm 2016 |
PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “GIA LAI CHUNG TAY VÌ AN TOÀN GIAO THÔNG”
Trong những năm qua, nhất là sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có sự chuyển biến tích cực: ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ từng bước được nâng lên; bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình trật tự, an loan giao thông vẫn diễn biến phức tạp; số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông còn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2015, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả 03 tiêu chí so với năm 2014, không đạt được mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với thời gian liền kề. Một số địa phương tình hình tai nạn giao thông có giảm nhưng chưa ổn định, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông đã uống rượu, bia, chạy quá tốc độ, lấn đường, vượt ẩu; liên quan đến thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số và xe công nông chở người gây tai nạn nghiêm trọng tăng cao. Việc xử lý xe bị đình chỉ lưu hành, xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông chở người, xe quá khổ, xe quá tải, “xe dù”, “bến cóc” và tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa được khắc phục triệt để. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là khu vực nông thôn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” năm 2016 vồ giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:
I. Mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thi đua
a) Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
b) Tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông; phấn đấu hằng năm kiềm chế, kéo giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh so với năm trước liền kề trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
c) Nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Phấn đấu hằng năm, giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí từ 5% -10%.
- 100% các bậc học phải được giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- 95% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho người lái xe.
-100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền, hiểu biết về an toàn giao thông, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
-100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phổ biến, quán triệt các văn bản của Trung ương và của tỉnh về trật tự, an toàn giao thông.
- 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về trật tự, an toàn giao thông; mỗi xã, phường, thị trấn có trên 70% hộ dân trên địa bàn được phổ biến, tuyên truyền về pháp luật trật tự an toàn giao thông và ký cam kết chấp hành tốt các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- 100% học sinh trung học cơ sở trở lên ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng 01 mô hình điểm về thôn, bán, tổ dân phố an toàn giao thông.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu thi đua, nội dung phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” cần tập trung thực hiện là:
3.1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình số 40-CTr/TU ngày 26/11/2012 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bản tỉnh; Quyết định số 209/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ; Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 08/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 04/02/2015 cùa Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 28/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nghiêm cấm xe công nông chở người, xe công nông lưu thông trên tuyến quốc lộ, đường tỉnh trong thị trấn, thị xã và thành phố; Kế hoạch số 1196/KH-UBND ngày 26/3/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 26/KH-BATGT ngày 04/02/2016 của Ban An toàn giao thông tỉnh về “Năm an toàn giao thông năm 2016”. Hằng năm, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, nội dung, giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực giao thông; tổ chức điều tiết giao thông hợp lý, an toàn; tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông: quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện giao thông; quản lý hoạt động vận tải, thiết bị giám sát hành trình; củng cố, kiện toàn lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
3.3. Đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng, các đơn vị cơ sở trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên quyết các biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng thực hiện “Văn hóa giao thông” và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; các vi phạm về hành lang an toàn giao thông, vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện, an toàn kỹ thuật phương tiện; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông; các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ.
3.4. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, phản ánh được tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật vê trật tự, an toàn giao thông và nguy hại của tai nạn giao thông trong đời sống xã hội. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ Đảng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức để xây dựng thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Chú trọng tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn việc xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đánh giá, nhân rộng các mô hình, giải pháp có hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
II. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng
Hằng năm, các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cụm, khối thi đua của tỉnh, các tổ chức, các huyện, thị xã, thành phố thông qua tổng kết năm công tác, tiến hành sơ kết phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông”; chỉ đạo, hướng dẫn việc đưa tiêu chí an toàn giao thông vào bình xét, đề nghị thi đua, khen thưởng hàng năm. Năm 2018, tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua; năm 2020 tổ chức tổng kết Phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì an toàn giao thông” giai đoạn 2016 - 2020.