Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 9296/CT-TCHQ triển khai thi hành Luật Hải quan năm 2014 do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 9296/CT-TCHQ
Ngày ban hành 25/07/2014
Ngày có hiệu lực 25/07/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Ngọc Túc
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9296/CT-TCHQ

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT HẢI QUAN 2014

Luật Hải quan được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Luật này thay thế Luật Hải quan số 29/2001/QH10 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 năm 2005.

Luật Hải quan năm 2014 có ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác cải cách, hiện đại hóa Hải quan Việt Nam, tạo nền tảng pháp luật mới thực hiện chiến lược phát triển hải quan, chiến lược phát triển tài chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, làm thay đổi phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ thủ công truyền thống, bán điện tử sang thực hiện thông quan điện tử; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Hải quan hiện hành; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan.

Để tổ chức thi hành Luật một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

1. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật Hải quan:

1.1. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật:

a. Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng kế hoạch xây dựng các văn bản thi hành Luật Hải quan; thực hiện rà soát xác định danh mục văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật. Trước mắt, từ nay đến 15/11/2014 hoàn thành công tác xây dựng 03 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thi hành. Việc phân công đơn vị chủ trì, tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hải quan.

b. Các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật bao gồm Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lận, Vụ Tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm:

Nghiên cứu kỹ nội dung Luật Hải quan; rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế và đánh giá tác động của các dự thảo này;

Triển khai lấy ý kiến trong toàn ngành, các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan vào dự thảo, thực hiện các thủ tục xây dựng văn bản để trình cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch;

Rà soát các quy trình nghiệp vụ để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục có trách nhiệm:

Cử cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn sâu tham gia Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập khi được yêu cầu;

Tổng hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan hiện hành để báo cáo Tổng cục;

Nghiên cứu kỹ dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Hải quan để đánh giá tác động và có ý kiến tham gia vào dự thảo văn bản khi được yêu cầu.

1.2. Công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về Luật Hải quan:

a. Công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về pháp luật hải quan nói chung, Luật Hải quan nói riêng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng. Trước mắt từ nay đến hết năm 2014, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành trong cán bộ, công chức toàn ngành Hải quan, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan trước khi Luật có hiệu lực.

Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Hải quan với các hình thức phù hợp; xây dựng tài liệu, đề cương giới thiệu Luật Hải quan; biên soạn các cuốn sách: "Luật Hải quan năm 2014", "Luật Hải quan song ngữ Việt - Anh", "Hỏi - Đáp về pháp luật hải quan", "Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Hải quan"; biên soạn tờ rơi, tờ gấp để phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền về Luật Hải quan và chủ trì giúp Tổng cục tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Hải quan cho các cán bộ chủ chốt trong Ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan thông qua hội nghị Ngành, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Báo Hải quan, Website Hải quan và các phương tiện thông tin đại chúng.

Các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

b. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ động quán triệt nội dung Luật Hải quan cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị và tổ chức tuyên truyền Luật Hải quan cho doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn quản lý.

c. Trường Hải quan Việt Nam chủ trì biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong toàn Ngành về Luật Hải quan.

d. Báo Hải quan, Bản tin Nghiên cứu Hải quan, Cổng thông tin điện tử Hải quan bố trí chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3.1. Kiện toàn tổ chức, bộ máy; sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực:

a. Vụ Tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm chủ trì nghiên cứu mô hình tổ chức hải quan, sắp xếp lực lượng, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và nhu cầu đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Luật Hải quan để xây dựng Kế hoạch hành động của Ngành về kiện toàn tổ chức, bộ máy; sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực.

b. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chủ động rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc; sắp xếp bộ máy, bố trí nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu triển khai thực hiện Luật; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất để Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Tổng cục xem xét, quyết định.

1.4. Thực hiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ triển khai thi hành Luật:

a. Vụ Tài vụ - Quản trị chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự trù kinh phí bảo đảm cho các các hoạt động để triển khai thực hiện Luật Hải quan.

[...]