Chỉ thị 7804/CT-BNN-KHCN năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 7804/CT-BNN-KHCN
Ngày ban hành 10/11/2020
Ngày có hiệu lực 10/11/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7804/CT-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Hiện nay, chất thải nhựa đã và đang trở thành thách thức rất lớn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng vật liệu nhựa cho phát triển sản xuất dẫn tới lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Nhằm phòng, tránh tác hại của chất thải nhựa, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý, giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, và phổ biến, tuyên truyền tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hạn chế tối đa sản phẩm nhựa sử dụng một lần với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Để từng bước giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn tình trạng phát sinh chất thải nhựa, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1746/2019/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị:

1. Tuyên truyền, phổ biến thông tin, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.

2. Thực hiện có hiệu quả việc thu gom, phân loại chất thải nhựa ngay tại đơn vị, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

3. Xây dựng các chương trình, hoạt động cụ thể tại đơn vị nhằm phát huy các sáng kiến, mô hình thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa đáp ứng được quy định bảo vệ môi trường.

4. Lồng ghép hoạt động thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa vào chương trình, kế hoạch công tác năm của đơn vị.

5. Tổ chức thực hiện

a) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa ngành nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), trình Bộ trưởng ban hành trước ngày 30/6/2021;

- Xây dựng các chương trình, nội dung ưu tiên về quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp;

- Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy;

- Đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này.

b) Văn phòng Bộ

- Ban hành văn bản hướng dẫn hạn chế dùng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin theo Kế hoạch được Bộ giao liên quan tới chất thải nhựa với hình thức, phương tiện phù hợp.

c) Tổng cục Thủy sản

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực thủy sản, tập trung thực hiện các giải pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và hạn chế sử dụng phao xốp để làm nổi các lồng bè nuôi cá; kiểm soát chặt chẽ chất thải nhựa tại các khu bảo tồn biển và cộng đồng dân cư ven biển; xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển;

- Đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cảng cá, bến cá và trên các phương tiện khai thác thủy sản.

d) Tổng cục Lâm nghiệp

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất giống cây lâm nghiệp và các hoạt động lâm nghiệp khác có liên quan.

đ) Cục Trồng trọt

Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực trồng trọt, tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất giống cây trồng nông nghiệp và canh tác nông nghiệp.

e) Cục Bảo vệ thực vật

Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng bao bì nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau sử dụng.

g) Cục Chăn nuôi

Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường chăn nuôi và khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường trong chăn nuôi.

[...]